Home / Những Bài Văn Hay / Bi kịch của người trí thức trong sáng tác của Nam Cao “Đời thừa”

Bi kịch của người trí thức trong sáng tác của Nam Cao “Đời thừa”

Đề bài: Bi kịch của người trí thức trong sáng tác của Nam Cao “Đời thừa”

người trí thức trong sáng tác của nam cao

Bài làm:

Nam Cao là một trong những nhà văn nổi tiếng thế kỉ XX. Ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó phải kể đến “Đời thừa” tác phẩm viết về bi kịch của người trí thức tiểu tư sản. Đó là bi kịch của những người giàu khát vọng cao đẹp, có ý thức sâu sắc về nhân phẩm, giàu tình thương mà bị hiện thực cuộc sống nghèo khổ đày vào kiếp sống vô vị, nhạt nhẽo, bế tắc, kiếp sống Đời thừa.

Hộ, nhân vật chính của Đời thừa, là một nhà văn có tài và đầy tâm huyết. Người đọc có thể nhận ra ở Hộ nhiều nét tự truyện của chính Nam Cao. Hộ đã từng viết được những tác phẩm có giá trị, được bạn bè cùng giới viết văn và người đọc yêu mến cổ vũ. Nhưng không muốn dừng lại ở bất kỳ chặng nào của thành công, không bao giờ mãn nguyện với những gì đã được viết ra. Hộ luôn luôn khao khát vươn tới cái thiện, mĩ của nghệ thuật. Hộ thèm khát nghĩ đến một tác phẩm “nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm cùng ra một thời”.

Bi kịch của Hộ là bi kịch của một nhà văn có ý thức cao về nghề nghiệp mà lại phải viết những cái vô vị, nhạt nhẽo. Thời tuổi trẻ, Hộ đã từng ôm ấp hoài bão lớn lao về sự nghiệp văn chương. Anh đã từng say mê phấn đấu học hỏi, tìm tòi, suy tưởng để vun đắp tài năng của mình. Hộ có một thái độ làm việc nghiêm túc, anh viết thận trọng không bận tâm đến tiền nong, chỉ cần sống được dù là cực khổ. Tuy nhiên bi kịch chính của Hộ là ở chỗ này: mâu thuẫn giữa khát vọng của một người nghệ sĩ với ước muốn làm một con người tốt đẹp. Để có tiền có thể nuôi vợ nuôi con (dẫu chỉ có mức độ thiếu đói), Hộ phải viết vội những tác phẩm mà ngay khi viết ra xong, chính Hộ đã thấy chán. Hộ phải chống lại ngay chính mình, vi phạm ngay những tiêu chuẩn mà Hộ đặt ra cho mình trong tư cách nhà nghệ sĩ. Viết văn để kiếm tiền, viết vội, viết cẩu thả, đó là điều không thể tha thứ, không thể bào chữa được, đối với Hộ. Nhưng để làm một người nghệ sĩ chân chính thì Hộ phải bỏ mặc vợ con, thậm chí tàn nhẫn với vợ con. Nhưng như thế, với Hộ lại là hèn nhát, là vô lương tâm, cũng không thể tha thứ được.

Loading...

Hộ không vượt qua được nỗi đau đớn và đã chà đạp, huỷ hoại lẽ sống tình thương của mình. Hộ luôn u uất, buồn bã, Hộ tìm đến rượu để giải sầu, gặp bạn bè để nói chuyện văn chương, gợi ra những chương trình mà ngay trong lúc nói Hộ đã biết là chẳng bao giờ có thể thực hiện được. Khi say, Hộ mắng chửi vợ, thậm chí còn đánh đuổi Từ ra khỏi nhà. Hộ đã đem đến cho những người anh yêu thương bao nhiêu đau khổ nặng nề, dai dẳng. Khi tỉnh rượu, Hộ thấy mình đánh mất lương tri và không gì có thể biện hộ hoặc tha thứ cho bản thân. Hộ khóc và coi mình là một thằng khốn nạn.

Cuộc đời Hộ cứ như thế chìm trong những bế tắc, luẩn quẩn của bi kịch và tới khi truyện kết thúc, vẫn chưa có gì đảm bảo là anh sẽ thoát ra được. Mâu thuẫn không thể giải quyết được, cứ trở đi trở lại giằng xé nội tâm nhân vật Hộ chủ yếu là mâu thuẫn giữa một bên là khát vọng sống cho thật có ý nghĩa, thật vẻ vang và một bên là trách nhiệm chăm lo chu đáo cho cuộc sống gia đình. Một bên là cái hay, cái đẹp, một bên là tình thương. Một bên là lí tưởng, một bên là hiện thực.

Bi kịch của Hộ cũng là bi kịch của người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ nói chung. Nỗi đau của họ xuất phát từ mâu thuẫn không thể điểu hoà giữa khát vọng và khả năng thực hiện, giữa những phẩm chất cao đẹp với sự tha hoá tầm thường, đau xót. Đó là tấm bi kịch tinh thần dai dẳng, thầm lặng và đau đớn khi những lí tưởng, những hoài bão đẹp đẽ của những con người có lương tri lần lượt bị huỷ hoại, bị chà đạp khi đối diện với gánh nặng áo cơm.

Với Đời thừa, Nam Cao đã để lại cho người đọc một bức tranh hiện thực lên án xã hội đương thời. Nhân vật trong tác phẩm dù khổ cực đau đớn nhưng vẫn luôn kiên trì lẽ sống tình thương và giữ vững lương tri.

XEM THÊM >>>> Phân tích truyện ngắn Đời thừa

XEM THÊM >>>> Tóm tắt truyện ngắn Đời Thừa

XEM THÊM >>>> Cảm nhận về tác phẩm Đời thừa

XEM THÊM >>>> Phân tích nghệ thuật trong Đời thừa

XEM THÊM >>>> Phân tích nhân vật Từ trong Đời thừa

About adminbvh

Check Also

Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *