Đề bài: Bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa”
Bài làm:
Đời thừa là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Tác phẩm đã rất thành công trong việc phân tích bi kịch của nhân vật thời kì trước cách mạng, đồng thời bộc lộ rõ nét tư tưởng nhân đạo mới mẻ độc đáo của nhà văn Nam Cao.
Bi kịch về tinh thần chính là nỗi khổ được ý thức. Khổ mà biết mình khổ, tha hóa mà tinh thần tỉnh táo nhận ra sự tha hóa, đó là nỗi khổ đau dằn vặt lớn nhất về tinh thần. Bi kịch tinh thần của nhà văn Hộ là bi kịch của một người ý thức sâu sắc về lí tưởng và hiện thực: “Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì để nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?”. Đó là nỗi đau tinh thần không có gì xoa dịu nổi, đó là nỗi khổ đau day dứt triền miên, của một nhà văn có ý thức sâu sắc về nghề nghiệp, về cuộc sống, và giá trị của cá nhân trong đời sống xã hội. Nói lên bi kịch tinh thần của nhà văn Hộ, nhà văn Nam Cao đã lên án xã hội, lên án cái cuộc sống phũ phàng đã vùi dập ước mơ, bào mòn ý chí, tiêu tan hoài bão cao đẹp của con người, tước đi ý nghĩa đẹp đẽ của cuộc sống.
Bi kịch đầu tiên trong tấm bi kịch tinh thần của cuộc đời Hộ là bi kịch về những giấc mộng văn chương. Hộ đã đặt văn chương lên trên hết, văn chương dường như là khát vọng lớn nhất của anh. Anh muốn trở thành nhà văn chân chính, nhà văn biết mở hồn đón lấy những vang vọng của đời. Đó quả là một ước mơ chính đáng, không phải người nghệ sĩ nào cũng khao khát như vậy khi bước vào con đường văn chương đầy khổ ải. Vốn có tài và giàu lương tâm nghề nghiệp, nhưng trước cuộc sống vật chất, cơm áo ngặt nghèo, vợ con thúc bách ngày đêm, Hộ không còn được trau dồi nghệ thuật nữa, hắn phải viết “toàn những cái vô vị nhạt nhẽo”.
Nhưng bi kịch tinh thần của văn sĩ Hộ đâu chỉ có thế. Anh ta là một người chồng tốt, một người cha giàu tình thương con, nên bi kịch thứ hai này không kém phần đau đớn. Đó là bi kịch của một trí thức coi tình thương là nguyên tắc sống cao nhất, hi sinh tất cả cho tình thương, nhưng lại cứ sống bê tha, tàn nhẫn, thô bạo gây đau khổ cho vợ con, chà đạp lên nguyên tắc tình thương đó của mình.
XEM THÊM >>>> Phân tích truyện ngắn Đời thừa
XEM THÊM >>>> Tóm tắt truyện ngắn Đời Thừa
XEM THÊM >>>> Cảm nhận về tác phẩm Đời thừa
Hộ đã nhận Từ làm vợ, nhận làm bố cho đứa con thơ, lo việc ma chay cho mẹ Từ. Một tấm lòng, một tình thương gần như nghĩa hiệp. Hộ đã “cúi xuống nỗi đau khổ của Từ”. Nhưng rồi, gia cảnh ngày một thay đổi, “đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra”, có nhiều lúc “hắn còn điên lên vì con khóc”. Một đôi lần, hắn thoáng nghĩ bỏ mặc vợ con, để được rảnh rang viết, thoát khỏi tình trạng “đời thừa”. Nhưng vốn nhân hậu, anh không thể chấp nhận sự tàn nhẫn như thế. Anh không thể sống ác, sống tàn nhẫn, như ai đó đã nói. Với Hộ tình thương là trên hết, hắn sẵn sàng “hi sinh” hoài bão nghệ thuật để giữ lấy tình thương, dù đó là một sự “hi sinh” quá lớn đối với anh.
Bi kịch về tinh thần đã khiến Hộ tìm đến rượu. Hắn ta đã chìm sâu vào vòng bi kịch, sau mỗi lần say. Say rượu, tâm tính Hộ thay đổi quá lớn thật đáng sợ. Hình ảnh Hộ, sau cơn say, tỉnh dậy “mắt nhớn nhác tìm Từ”, dịu dàng nắm lấy tay Từ, lòng hối hận “khóc nức nở” là hình ảnh cảm động nhất về bi kịch của người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Tiếng hát ru con của Từ phải chăng là để làm vơi đi ít nhiều nỗi đau đớn tinh thần của người chồng thương yêu đang trải qua bi kịch nặng nề, u ám: "… Ai làm cho Nam Bắc phân kì … Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân?”
Hộ không thể giải quyết cả hai bi kịch ấy cho nên muốn sống có hoài bão thì lại phải sống vô nghĩa như một người thừa. Rốt cuộc, cả lí tưởng văn chương và lẽ sống tình thương anh đều không giữ được.
Đi sâu vào bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ, tác phẩm đã phản ánh hiện thực xã hội bấy giờ, trong hoàn cảnh nghèo đói con người sẽ phải chịu những tổn thương tinh thần và trong nhận thức của con người họ hiểu được những điều đó để cố gắng vươn lên sống một cuộc sống giàu có và ý nghĩa hơn.