Đề bài: Bình giảng bài thơ Thu vịnh của Nguyễn Khuyến
Bài làm:
Nguyễn Khuyến có nhiều bài thơ viết về mùa thu bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thu vịnh là một trong ba bài thơ Nôm nổi tiếng: Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh. Chùm thơ này đã tôn vinh Nguyễn Khuyến lện vị trí hàng đầu trong các nhà thơ viết về mùa thu của quê hương, làng cảnh Việt Nam.
Bài thơ có tựa đề “Thu vịnh”, nhưng thật ra nội dung bài thơ chẳng phải là vịnh mùa thu. Mùa thu chẳng qua là nguồn thi hứng bất chợt để nhà thơ gửi gắm nỗi niềm day dứt sầu muộn của mình. Nhưng ngay khi tả cảnh, dường như nhà thơ cũng không chú ý đặc tả. Ta có thể thấy điều đó ngay từ hai câu đề:
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Xanh ngắt là xanh thăm thẳm, mấy tầng cao là rất cao, tưởng như có nhiều lớp, nhiều tầng. Trên cái nền là bầu trời bao la nổi bật lên hình ảnh thanh tú của cần trúc (cây trúc non dáng cong cong như chiếc cần câu) đang đong đưa khe khẽ trước gió thu. Hai câu đề chấm phá hai nét phong cảnh đơn sơ, thanh thoát nhưng hoà điệu nhịp nhàng với tâm hồn tác giả.
Hai câu luận:
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Hai câu đề là khung cảnh ban ngày, trời cao trong, nhiều ánh nắng. Hai câu thực lại là khung cảnh ban đêm. Điều này càng xác minh rõ nhà thơ không có ý định tả thực một bức tranh thiên nhiên, trong một khoảng thời gian cụ thể, xác định. “Nước biếc” là một hình ảnh khá mòn, ước lệ. Màu xanh phải thẩm, đậm đặc trong và sâu mới thành “biếc”. Còn màu khói thường là màu trắng hoặc màu xám. Vậy sao nước biếc lại trông như tầng mây khói phủ được? Từ “trông như” ở đây rõ ràng không phải được dùng với chức năng so sánh. Nó diễn tả sự biến dạng, đổi thay. Nước biếc, vốn trong, nay không còn trong, không còn biếc nữa. Cảnh khói sương tầng tầng lớp lớp lấn át bao trùm tất cả, chẳng còn thấy màu nước biếc ở đâu nữa. Đêm về, ánh trăng thu vằng vặc qua cánh cửa sổ chiếu sáng, người nằm đó thao thức ngắm trăng, nghĩ ngợi. Đây là cảnh tượng quen thuộc ở bất kì làng quê nào. Hình ảnh “song thưa” và “ánh trăng” giúp cho ý thơ thanh thoát, sáng trong.
Các hình ảnh trên đều cùng gợi lên trạng thái lặng yên, ẩn giấu sự cảm thông, giao hoà giữa tâm hồn tác giả và hồn thu.
Tâm trạng chủ đạo ấy chi phối cách nhìn, cách nghĩ của Nguyễn Khuyến:
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?
Ở trên, cảnh vật được miêu tả qua con mắt nhìn có vẻ khách quan, đến đây cảm xúc của trái tim đã khoác lên cảnh vật màu sắc chủ quan. Hoa nở trước mắt hẳn hoi mà cảm thấy là hoa năm ngoái. Điều gì đã xảy ra trong lòng người? Con người đang ở trong hiện tại mà như lùi về quá khử hay bóng dáng quá khứ hiện về trong thực tại?
Nếu như trong bốn câu thơ trên, cảnh vật hài hoà, giao cảm với nhau thì đến đây, con người hoà hợp với cảnh vật trong một nỗi niềm u uất. Cảnh vật thể hiện tâm tư con người và tâm tư con người thể hiện qua cách nhìn cảnh vật. Như vậy, cảnh vật được miêu tả qua đôi mắt và trái tim rung cảm của nhà thơ. Mùa thu tới, nhà thơ nhìn hoa trước sân, nghe tiếng chim kêu trên trời vẳng xuống mà trỗi dậy cả một niềm xót xa, lặng lẽ mà như nẫu ruột, chết lòng. Chiều sâu của tâm hồn thi sĩ lắng đọng vào chiều sâu của câu thơ là vậy.
Nhà thơ toan cất bút, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bỗng nhiên thấy thẹn với ông Đào nên đành thôi:
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
Hai câu kết vừa bộc lộ trực tiếp nỗi lòng tác giả vừa giữ mối liên kết toàn bài. Thừa lúc “nhân hứng” (nhân dịp có hứng) để “toan cất bút” viết thơ nhưng “nghĩ ra” (suy nghĩ kĩ) lại chùn bước mà thôi viết. Lí do là “thẹn với ông Đào”. Ông Đào ở đây chính là Đào Tiềm, một thi sĩ tài năng, tấm lòng trong sáng, nhân cách cứng cỏi. Tác giả tự thấy bản thân chưa đủ khí phách như Đào Tiềm nên khiêm tốn không thể viết lên vần thơ yêu nước. Nguyễn Khuyến có tấm lòng yêu nước thương dân bao la nhưng không có sức mạnh để cải thiện chế độ đương thời nên đành gửi hồn mình cho thiên nhiên. Nhưng chính tấm lòng đó càng khiến cho nhà văn đẹp hơn trong mắt người đời.
Bài thơ “Thu vịnh” mang đến bức tranh thu vừa đẹp vừa đặc trưng thông qua ngôn ngữ giản dị, diễn đạt sáng tạo, hình ảnh giàu biểu cảm. Bài thơ đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, đất nước của Nguyễn Khuyến.