Đề bài: Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Bài làm:
Thiên nhiên là nguồn cảm hứng dồi dào cho thi ca Việt Nam từ xưa tới nay. Trong phong trào thơ Mới có nhiều nhà thơ nổi lên với những phong cách thơ và nhiều đề tài khác nhau nhưng không thể không nói tới những thành công trong việc khắc họa thiên nhiên Việt Nam. Đó là thiên nhiên rộng lớn, vắng lặng mang nỗi sầu nhân thế, thời cuộc của Huy Cận trong Tràng giang. Hay thiên nhiên một vùng quê tươi đẹp, đầy sức sống trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Dù là ai, viết về vùng quê nào đi chăng nữa thì cũng góp phần vào khắc hoạ vẻ đẹp non nước Việt Nam. Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những mảnh ghép quan trọng của bức tranh ấy.
Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ Hàn Mặc Tử khắc hoạ vẻ đẹp của thôn Vĩ, một vùng quê nhỏ đầy mộng mơ của xứ Huế. Bức tranh thơ đấy được mở đầu với những đường nét lung linh, tươi sáng:
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Xem thêm >>> Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Xem thêm >>> Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ
Một không gian thân thuộc với tất cả những người dân Việt Nam, đó là hình ảnh một khu vườn với nhiều cây trái. Nổi bật trên khu vườn ấy, có lẽ là tầng cao nhất của khu vườn chính là những hàng cau dài, thẳng tắp. Những cây cau cũng chính là thứ đón nhận những tia nắng đầu tiên khi ngày mới bắt đầu. “Nắng mới lên” gợi lên cảnh tượng tinh khôi, ánh sáng ấm áp lan tràn khắp không gian. Nó là thứ nắng không hề gắt gao, gây khó chịu cho người đọc. Một câu thơ bảy chữ nhưng có đến hai chữ “nắng” xuất hiện khiến cho chúng ta cảm nhận được sự ấm áp, thơ mộng. Dịch chuyển điểm nhìn xuống dưới những tán lá cau ta bắt gặp một vườn cây xanh mát. Một khu vườn giống như một viên ngọc xanh khổng lồ như đang hiện hữu trước mắt chúng ta. Tác giả đã lựa chọn từ ngữ rất đắc địa, “xanh như ngọc” chứ không phải một màu xanh nào khác. Có lẽ sáng sớm, những giọt sương ban mai chưa bị lau khô bởi những tia nắng nên khi ánh nắng dịu nhẹ của ngày mới rọi chiếu vào khiến ta thấy được những phiến lá long lanh giống như ngọc bích. Không dừng lại ở đó những tán lá trúc mảnh mai đang che “mặt chữ điền” gợi cảm giác sự xuất hiện của dáng vẻ con người trong bộ dáng e ấp, dịu dàng như càng trúc của người con gái xứ Huế. Có thể thấy con người và thiên nhiên trở nên hài hoà, tự nhiên đậm sắc Huế.
Sau khung cảnh tuyệt đẹp, tràn đầy sức sống ta bắt gặp một bức tranh mang nét trầm buồn hơn khi vào đêm:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”
Cảnh thiên nhiên đẹp đấy nhưng phảng phất đâu đó nỗi buồn giống như tâm trạng của nhân vật trữ tình lúc này. Phải biết bằng Hàn Mặc tử sáng tác bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ khi ông đang nằm trên giường bệnh chữa bệnh phong, một người đang kề cận ranh giới sinh tử. Có lẽ ý thức được sự chia cắt, chia ly trần thế nên tâm trạng của ông cũng ảnh hưởng tới bài thơ khiến cho cảnh vật nhuốm màu u buồn. Giống như sự chia ly của “gió” và “mây”, đường ai nấy đi khiến dòng nước trở nên buồn hiu, cô đơn lạc lòng. Tâm trạng ấy giống như dòng nước cứ chảy trôi, kéo dài mãi.
Là một người yêu thiên nhiên, yêu ánh trăng vì thế trăng giống như là tri kỷ và không thể thiếu trong thơ Hàn Mặc Tử:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Cả một sông trăng dường như cũng không thể cứu rỗi nỗi buồn, cô đơn của người thi sĩ. Chỉ biết rằng đó là một đêm trăng rất đẹp. cả không gian tràn ngập ánh trăng tạo nên sự huyền ảo cho cảnh vật. Giống như thêm một lần nữa nhấn mạnh đến không gian huyền ảo, gợi nhớ về quá khứ, thi sĩ đã không thể phân biệt được thực hư trong cảnh vật: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”.
Qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, nhà thơ đã thành công phác họa nên bức tranh thiên nhiên đầy mộng mơ, đầy sức sống của xứ Huế. Đọc bài thơ khiến người ta có cảm giác giống như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh ở một vùng đất vừa quen thuộc lại vừa xa lạ, huyền ảo. Qua đó người đọc cảm thấy cảm thông, thương xót cho số phận người thi sĩ có tài nhưng bạc mệnh. Đồng thời thấu hiểu tâm trạng, nỗi buồn của nhà thơ trong khoảng thời gian cuối đời ấy.