Home / Những Bài Văn Hay / Cảm nhận truyện Một người Hà Nội của Nguyễn Khải

Cảm nhận truyện Một người Hà Nội của Nguyễn Khải

Đề bài: Cảm nhận truyện Một người Hà Nội của Nguyễn Khải

Cảm nhận truyện Một người Hà Nội
Cảm nhận truyện Một người Hà Nội

Bài làm:

Vẻ đẹp kinh kì từ thiên nhiên tới con người luôn được mọi người yêu thích, trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho nền nghệ thuật nước nhà. Nguyễn Khải cũng là một tác gia có duyên nợ với mảnh đất nghìn năm văn hiến ấy. Ông đã sống và chứng kiến những bước chuyển mình của Hà Nội để nhận thấy Hà Nội đẹp không chỉ ở thiên nhiên cảnh vật, mà từ những con người hào hoa, bản lĩnh, những người phụ nữ tinh tế, giỏi giang. Những cảm nhận ấy được ông thể hiện sâu sắc trong truyện Một người Hà Nội.

Tác phẩm lấy nhân vật cô Hiền làm trung tâm dưới nhãn quan của nhân vật “tôi”. Cô Hiền là người Hà Nội, cách sống của gia đình cô với khuôn mặt cô khiến cho người cháu cảm thấy gia đình cô là tư sản. Từ lăng kính đó ta thấy được cô Hiền là một người thông minh, cách ứng xử tinh tế, nắm bắt thời cuộc nhanh nhạy. Dù ở vai trò nào đi chăng nữa cô cũng luôn hoàn thành tốt và không thể chê trách được. Với cương vị làm vợ, cô vun vén cho gia đình, đưa ra những lời khuyên cho chồng trong việc làm ăn. Quán xuyến việc nhà chu đáo, bên cạnh đó cô còn phụ giúp chồng về kinh tế khi mở cửa hàng hoa giấy để kiếm tiền lo cho bốn đứa con. Cô Hiền luôn nắm bắt được điểm mấu chốt để gia đình có thể sống và sinh hoạt vừa đủ, không bị đẩy vào thế “đủ tiêu chuẩn” để trở thành tư sản. Trong vai trò làm mẹ, cô luôn nghiêm khắc dạy dỗ con cái để con có phong thái, quy cách ứng xử của người Hà Nội. Từ cách ăn uống, đi đứng nói chuyện cũng được cô rèn rũa. Khác hẳn với gia đình của nhân vật “tôi” với việc sinh hoạt lộn xộn: “Cứ việc sục môi, sục đũa vào, vừa ăn vừa quát mắng con cái, nhồm nhoàm, hả hê, không phải theo một quy tắc nào cả”. Trước việc hai người con xin đi lính, cô Hiền dù rất xót con nhưng vẫn ủng hộ con ra chiến trường, bởi cô muốn con mình trở thành người biết tự trọng, biết xấu hổ.

Xem thêm >>> Vẻ đẹp nhân vật Hiền trong Một người Hà Nội

Loading...

Xem thêm >>> Phân tích nhân vật cô Hiền trong Một người Hà Nội

Từ phân tích ở trên có thể thấy cô Hiền là người có vẻ đẹp thanh lịch rất Hà Nội. cô quan niệm: “Xã hội lúc nào cũng phải có một gia tầng thượng lưu của nó để làm chuẩn cho mọi giá trị”. Cô rất tinh tế trong việc nhận xét về chế độ, về cuộc sống. Từ chế độ mới cô nhận thấy: “Chính phủ can thiệp quá nhiều vào việc của dân quá, nào là phải tập thể dục mỗi sáng, sinh hoạt văn nghệ mỗi tối”. Cô nhận ra cái chế độ này “không thích cá nhân làm giàu”. Đây là cái nhìn sâu sắc và thái độ thẳng thật trước thời cuộc. Cuối cùng, cô Hiền là luôn đau đáu niềm tin vào cuộc sống. Dù Hà Nội đứng giữa cơn lốc xói mòn những giá trị văn hoá nhưng không thể làm lay chuyển ý thức của con người luôn có niềm tin vào giá trị văn hoá bền vững. Nguyễn Khải đã đem hình ảnh cây si cổ thụ để ca ngợi nhân vật cũng như những giá trị tâm linh. Cây si cổ thụ bật gốc ở mái đền Ngọc Sơn đã sống lại giống như sự lạc quan và niềm tin của người Hà Nội khi tin tưởng vào sự phục hồi của những giá trị tinh thần, những giá trị văn hoá của Hà Nội sẽ không mất đi. Tác giả bày tỏ quan điểm vào mong ước của mình với cô Hiền: “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống, chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió bay lên cho đất kinh kỳ lung linh chói sáng những ánh vàng”.

Bên cạnh nhân vật cô Hiền, tác giả còn thể hiện vẻ đẹp của Dũng, vẻ đẹp biểu trưng cho những thanh niên Hà Nội. Trong kháng chiến những thanh niên xung phong tình nguyện ra chiến trường đánh Mỹ với một lòng son sắt, một tình yêu đất nước nồng nàn. Đó còn là tình cảm đồng đội, đồng chí của những người con xa quê vì lí tưởng cách mạng. Khi người đồng đội của Dũng hi sinh tại Xuân Lộc ngay trước giải phóng khiến anh cảm thấy tiếc thương lẫn hổ thẹn. Anh về nhà ga muốn gặp mẹ của người đồng đội ấy nhưng phải mấy ngày sau đó mới dám gặp.

Qua truyện Một người Hà Nội của Nguyễn Khải ta như nhận thức sâu sắc hơn được vẻ đẹp của người phụ nữ Hà Nội, của những chàng thanh niên thủ đô xung phong ra chiến trường. Từ đó giúp chúng ta thêm tin yêu, tự hào về những truyền thống văn hoá, những giá trị lâu đời của đất nước, con người Việt Nam.

Xem thêm >>> Nội dung và nghệ thuật bài Một người Hà Nội

Xem thêm >>> Phân tích truyện Một người Hà Nội

About adminbvh

Check Also

Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *