Home / Những Bài Văn Hay / Cảm nhận về tác phẩm Đời thừa của Nam Cao

Cảm nhận về tác phẩm Đời thừa của Nam Cao

Đề bài: Cảm nhận về tác phẩm Đời thừa của Nam Cao

Cảm nhận về tác phẩm đời thừa của Nam Cao

Bài làm:

Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam thế kỉ XX. Ông có rất nhiều tác phẩm viết trong giai đoạn trước năm 1945, trong những sáng tác của ông có thể kể đến là tác phẩm Đời Thừa, tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ.

Đời thừa cũng như một số sáng tác của Nam Cao gần gũi với nó về đề tài, giọng điệu, tư tưởng: Trăng sáng, Nước mắt, Sống mòn… đã ghi lại chân thật hình ảnh buồn thảm của người tri thức tiểu tư sản nghèo. Tuy không đến nỗi quá đen tối, “tối như mực” nhưng cuộc sống của quần chúng lao động thường xuyên đói rét thê thảm, cuộc sống của những người “lao động áo trắng”, những “vô sản đeo cổ cồn” đó cũng toàn một màu xám nhức nhối.

Tác phẩm viết về cuộc sống của một trí thức nghèo, một nhà văn là Hộ. Là một con người trung thực, thương yêu vợ con, rất có trách nhiệm với gia đình, có hoài bão xây dựng được một tác phẩm thật có giá trị “sẽ làm mờ hết tác phẩm cùng ra một thời”, thậm chí có thể được trao giải Nobel. Nhưng trong thực tế, Hộ phải chịu bao nhiêu cảnh buồn lo, cực nhục trong cuộc sống. Hộ phải làm quần quật nhưng vẫn không kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình. Để kiếm tiền chăm lo cho gia đình, Hộ phải viết văn một cách cẩu thả, bôi bác, tạo ra những sản phẩm mà mỗi lần đọc lại “hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng, vò nát sách và mắng mình như một thằng khốn nạn”.

Những sự dằn vặt trong gia đình vì nghèo, vì cảnh vợ con nheo nhóc, thêm sự bất mãn, sự xấu hổ trong việc viết văn mà Hộ thiết tha và đặt bao nhiêu hi vọng, càng ngày càng biến Hộ thành một người bẩn tính, thô bạo, bất cần.

Những người tốt, những người có ước mơ, hoài bão, những người lao động trung thực, cần cù sao mà khổ cực, cả về vật chất và tinh thần.

Nhưng tấm bi kịch tinh thần của nhà văn Hộ không chỉ có thế. Từ nỗi đau đớn dai dẳng vì phải sống cuộc sống "đời thừa", Hộ còn lâm vào bi kịch thứ hai cũng vô cùng đau đớn, thậm chí còn đau đớn hơn. Đó là bi kịch của một con người coi tình thương là nguyên tắc cao nhất, đã hi sinh tất cả chỉ vì tình thương, nhưng lại phạm vào lẽ sống tình thương của chính mình.

Loading...

Sự mâu thuẫn của Hộ là không nỡ vứt bỏ gia đình để đeo đuổi sự nghiệp văn chương. Có lúc anh phát biểu như giọng điệu của một triết gia phương Tây về kiểu "siêu nhân chủ nghĩa", kiểu phát xít. Thế nhưng dù đau đớn bế tắc, anh vẫn chọn lấy gia đình, một sự chọn lựa giàu tính truyền thống đạo đức của cha ông ta. Đó là có thể bỏ tình yêu nhưng không nỡ bỏ tình thương. Nếu bi kịch thứ nhất không thực hiện được hoài bão văn chương, thì bi kịch thứ hai là bởi vì Hộ đã chà đạp trên nguyên tắc tình thương của chính mình.

Điều đáng chú ý trong tác phẩm là khi miêu tả rất chân thực tình trạng con người bị đẩy vào chỗ phải tàn nhẫn, Nam Cao vẫn dứt khoát lên án cái ác, bảo vệ tình thương. Nếu đương thời, không ít cây bút gọi là “tả chân”, là “xã hội”, đã đồng tình, biện hộ và đề cao những nhân vật vứt bỏ lương tâm, vứt tình thương yêu đồng loại, tự cho phép làm điều ác nhân danh sự trả thù xã hội bất công tàn bạo, thì Nam Cao trước sau không bao giờ chấp nhận cái ác. Nhân vật của ông dù lâm vào tình thế bi kịch bế tắc, vẫn vật vã quằn quại cố vươn lên lẽ sống nhân đạo.

Chính cái nghèo đói đã làm cho những người tri thức đó bị tha hóa, không có một lối thoát nào. Nam Cao đã xây dựng thành công nên hình tượng nhân vật của mình, với những nét tinh tế trong phong cách sáng tác, ông để cho nhân vật của mình biểu lộ dòng tâm trạng, thể hiện tình cảm nội tâm, ông để cho nhân vật của mình độc thoại, qua đó toát lên được diễn biến tâm lý, khi nhân vật Hộ ngộ ra được cuộc sống hiện thực, ông thoát ly hoàn toàn với cuộc sống trong văn chương.

Với đề tài là người trí thức nghèo trước cách mạng, Nam Cao đã cho người đọc thấy được số phận của tầng lớp tiểu tư sản thời bấy giờ, đồng thời lên án tố cáo hiện thực xã hội khi đã đẩy con người ta vào những bi kịch của cuộc sống.

XEM THÊM >>>> Phân tích truyện ngắn Đời thừa

XEM THÊM >>>> Tóm tắt truyện ngắn Đời Thừa

XEM THÊM >>>> Phân tích nghệ thuật trong Đời thừa

XEM THÊM >>>> Nét tiêu biểu trong tính cách của văn sĩ Hộ

XEM THÊM >>>> Phân tích nhân vật Từ trong Đời thừa

About adminbvh

Check Also

Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *