Home / Văn Mẫu Lớp 12 / Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-Minh-Uê

Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-Minh-Uê

Đề bài: Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-Minh-Uê

Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả
Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-Minh-Uê

Bài làm 1:

Tác phẩm Ông già và biển cả được viết theo nguyên lí tảng băng trôi. Đây cũng là sáng tác nhằm bảo vệ quan điểm của Hê-minh-uê: tác phẩm nghệ thuật như một “tảng băng trôi”. Đoạn trích thuộc phần cuối truyện kể lại quá trình chinh phục con cá kiếm của nhân vật Xan-ti-a-gô.

Theo nguyên lí tảng băng trôi thì phần nổi chỉ chiếm một phần tảng băng. Ở tác phẩm này phần nổi chính là cuộc săn đuổi của ông già với con cá kiếm to. Còn phần chìm tùy từng giai đoạn cuộc chiến và đặc điểm nhân vật ta lại thấy những tầng ý nghĩa khác nhau gắn với nhiều mặt cuộc sống. Cuộc chiến cam go, căng thẳng và diễn ra trong vài giờ đồng hồ biểu tượng cho cuộc đời con người chính là cuộc hành trình dài với đầy rẫy những khó khăn, thử thách. Dù ông lão đã chiến thắng nhưng lúc kéo con cá vào bờ chỉ còn lại bộ xương. Có thể thấy trong cuộc sống nhiều khi chúng ta đã dành hết tâm huyết, sự cố gắng nhưng vẫn không đạt được kết quả như ý nguyện. Giáo sư Phùng Văn Tửu đã từng nhận xét: “Tác phẩm miêu tả cuộc vật lộn gay gắt của con người với thiên nhiên đầy chân thực từ đó nâng lên tầng ý nghĩa thứ hai: nêu bật cái quyết liệt, tàn bạo của đời sống và khả năng chống trả của con người”.

Cùng đi vào tìm hiểu ta thấy hình tượng con cá kiếm với thân hình đồ sộ, sức mạnh to lớn của nó được cảm nhận qua những vòng lượn to của nó. Vẻ đẹp của nó được miêu tả khi nó gần với mặt nước, lọt vào tầm mắt của ông lão: “Cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẫm […] thân hình đồ sộ và những sọc màu tía trên mình nó. Cánh vi trên lưng xếp lại, còn bộ vây to sụ bên sườn xoè rộng”. Đó là vẻ đẹp kì vĩ, chứa đựng sức mạnh to lớn. Nó chống chọi với con người bằng cách di chuyển những vòng tròn, nhô lên lặn xuống và đó chính là sự tinh ranh của con cá khi đối diện với đối thủ đáng gờm. Con cá chính là biểu tượng cho thiên nhiên hùng vĩ mà con người đang phải đối mặt.

Truyện Ông già và biển cả, ở nhan đề đã nhắc đến nhân vật trung tâm của tác phẩm đó chính là ông già đánh cá. Ông là người có kinh nghiệm trong nghề, chính cuộc chiến đã cho thấy sự lành nghề, tài trí của ông trong việc săn đuổi con cá kiếm. Con cá kiếm càng có sức mạnh lớn bao nhiêu thì càng làm nổi bật lên hình ảnh ông lão đánh cá. Dựa theo nguyên lí tảng băng trôi thì hình ảnh ông lão và con cá đều được nhà văn gửi gắm những tầng sâu ý nghĩa biểu tượng. Hình ảnh ông lão là biểu tượng cho người lao động đang vượt qua những chông gai, thử thách. Là người nghệ sĩ đang miệt mài tìm kiếm, thực hiện ước mơ, khát vọng sáng tạo. Con người tuy nhỏ bé trước thiên nhiên nhưng lại có thể chiến thắng thiên nhiên vĩ đại.

Việc ông lão coi con cá như anh em, thương xót nó chính là hành động cho thấy ông tôn trọng, coi con cá là đối thủ xứng tầm, đáng được trân trọng và ghi nhận những gì nó đã cố gắng. Từ đó cũng đưa ra thông điệp rằng, thiên nhiên và con người có mối quan hệ khăng khít. Có những khi thiên nhiên đem lại khổ đau cho con người, con người có khát vọng chinh phục thiên nhiên nhưng cũng phải yêu mến và sống chan hoà với thiên nhiên. Trong cuộc sống mỗi người cần biết tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, tôn trọng đối thủ của mình. Nếu muốn chiến thắng thuyết phục cần thừa nhận vẻ đẹp và khả năng của đối thủ chứ không được coi thường, chủ quan khinh địch. Tác phẩm cũng đem lại sự suy ngẫm đối với người làm nghệ thuật. Người đi câu cá cần câu được con cá để kiếm tiền còn người làm nghệ thuật thì phấn đấu hoàn thành những đứa con tinh thần của mình. Mỗi người làm nghệ thuật đều kỳ vọng sẽ mang đến một tác phẩm hay, có giá trị đến với người đọc giống như người đi câu mong muốn câu được con cá to, một chiến lợi phẩm để vang danh.

Loading...

Như vậy tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê đã đem lại cho độc giả nhiều cảm xúc và suy ngẫm vào cuộc sống. Có lẽ tác phẩm cho đến ngày nay hoặc sau này sẽ tiếp tục có thêm những tầng ý nghĩa mới gắn với cuộc sống thực tại và đem đến nhiều bài học cho mọi người. 

XEM THÊM >>>> Phân tích nghệ thuật ông già và biển cả

XEM THÊM >>>> Phân tích hình tượng Ông già trong Ông già và biển cả

Bài làm 2:

Hê-minh-uê sinh là một nhà văn người Mĩ. Ông là người đề xướng và trung thành với nguyên lí tảng băng trôi trong sáng tác văn học. Là tác giả của hàng loạt tác phẩm suất sắc như: giã từ quá khứ, chuông nguyện hồn ai, ông già và biển cả. Trong đó tác phẩm “ông già và biển cả” tạo được rất nhiều tiếng vang và được coi là kiệt tác văn chương của thế giới.

Tác phẩm nói về ông lão Xantiago đánh cá ở vùng nhiệt lưu, nhưng đã lâu không kiếm được con cá nào. Đêm ngày ông mơ về thời trai trẻ với tiếng sóng gào, hương vị biển những con tàu và cả những đàn sư tử. Trong một lần ra biển khi ông thả mồi, một con cá lớn tính khí kì quặc mắc mồi. Đây là một con cá kiếm to lớn mà ông hằng mong ước. Sau cuộc vật lộn cực kì căng thẳng ông đã giết được con cá. Nhưng lúc ông quay vào bờ thì từng đàn cá mập hung dữ đuổi theo rỉa thịt con cá kiếm và ông đã phải đơn độc chiến đấu đến kiệt sức. Tuy vậy ông vẫn nghĩ “không ai cô đơn nơi biển cả”. Khi ông già mệt mỏi quay vào bờ thì con cá kiếm chỉ còn trơ lại bộ xương.

Hình ảnh con cá kiếm, được tác giả miêu tả là khi còn sống là một thực thể rất, rất đẹp. Vẻ đẹp lấp lánh, vây đen có pha sọc màu tím của nó khiến Xantiago phải thán phục. Ông đã từng thốt lên “ Tao chưa thấy ai hùng dũng, cao thượng hơn mày”. Ông phải giết con cá nhưng lại tha thiết cầu khẩn “Đến đây! Đến đây để giết ta này, ta không quan tâm việc ai giết ai nữa” cứ như kiểu ông đang bị vẻ đẹp của con cá làm cho say mê vậy nhưng ông vẫn muốn giết nó, ông cho rằng nó chính là công sức lao động của ông bao nhiêu ngày nay không thể nào dễ dàng bỏ qua được.

Khi lão chiến đấu với con cá kiếm, lão phi lao vào con cá, và nó lao vút mình lên khỏi mặt nước để phô diễn vẻ đẹp của mình lần cuối cùng, rồi nằm lặng lẽ trong một vũng máu loang lổ, thì Xantiago lại thấy nuối tiếc. Cái ông nhận được là một cái xác cá, một thứ rất tầm thường, nếu có khác chỉ là một cái con cá to mà thôi, nó không còn đẹp nữa, cho dù vẫn là vẻ lấp lánh ấy, cái vây đen có pha sọc màu tím ấy, nó không còn vẻ bí ẩn như những ngày đầu, giống như việc con cá bây giờ đã có một chiều dài chính xác, chứ không còn hùng vĩ khó đoán định như ở những vòng lượn đầu tiên, lại khiến trong lòng ông lão dâng lên một sự nuối tiếc, lại muốn con cá sống tiếp để thấy vẻ đẹp mà mình chinh phục.

Cuộc đối đầu giữa ông lão và con cá kiếm cho ta thấy sự cảm nhận của ông lão đối với con cá kiếm không chỉ dừng lại ở mức độ của một người đi săn đối với một con mồi mà cao hơn nữa là sự cảm thông bộc lộ ở những lời đối thoại của ông lão đối với con cá. Những lời lẽ và ý nghĩ này đã biến con cá trở thành một nhân vật có linh hồn. Những đối thoại mối quan hệ giữa con cá và ông lão là mối quan hệ giữa người đi câu với con cá câu được, quan hệ giữa hai kì phùng địch thủ cân sức ngang tài.

Hình ảnh ông lão đánh cá Xantiago, chính là biểu tượng của những người lao động, những con người luôn luôn hăng hái đi tìm kiếm và chinh phục ước mơ của bản thân mình, họ đi tìm kiếm những thứ thuộc về mình bù đắp cho công sức mình mà khi lao động mới tìm thấy chúng. Họ mưu trí, gan dạ, bản lĩnh, dám đương đầu với những thách thức trong thiên nhiên, cuộc sống và không chùn bước trước khó khăn để đến được với giấc mơ.  

Cuộc chiến đấu giữa ông lão và cá kiếm đã thể hiện được ý chí và nghị lực của ông lão Xantiago, đồng thời thể hiện những nghị lực của nhân dân lao động, họ sống vì ngày mai, vì tương lai tươi đẹp. Đồng thời đoạn trích còn thể hiện tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp sáng tác của tác giả, con người luôn theo đuổi khát vọng nhưng cũng ý thức được giới hạn của mình, sống là phải có ước mơ, thành công sẽ đến với chính sức lao động của mình.

XEM THÊM >>>> Ý nghĩa nguyên lý tảng băng trôi

XEM THÊM >>>> Phân tích tác phẩm Ông già và biển cả

About adminbvh

Check Also

Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *