Đề bài: Cảm nhận về tác phẩm Số phận con người của Sô-lô-khốp

Bài làm 1:
Sô-lô-khốp là một nhà văn lớn của Nga và giành được giải thưởng Nô-ben văn học năm 1965. Ông đã để lại số lượng tiểu thuyết và truyện ngắn đồ sộ trong đó chủ yếu viết về hiện thực cuộc sống và chiến tranh. Tiêu biểu trong sáng tác của ông là tác phẩm Số phận con người viết về những số phận bất hạnh sau chiến tranh.
Truyện xoay quanh nhân vật Xô-cô-lốp, một người chịu nhiều đau thương và mất mát trong chiến tranh. Anh đi lính từng hai lần bị thương và bị phát xít Đức bắt giam hai năm. Sau khi anh trở về phát hiện vợ và hai con gái anh đã bị bom đạn phát xít giết hại. Sau đó người con trai, niềm tự hào còn sót lại của anh đang làm đại uý pháo binh cũng bị tên thiện xạ Đức hại chết. Lúc này anh chẳng còn người thân, nhà cửa chỉ còn lại nỗi cô đơn, đau khổ đến tận cùng. Có thể thấy trong chiến tranh những người lính như anh một lòng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, bảo vệ người thân nhưng những người thân của họ cũng không thể thoát khỏi bom đạn phát xít. Xô-cô-lốp nói riêng và những người lính Liên xô nói chung đã phải hứng chịu cả nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Nỗi đau ấy kéo dài tới tận khi chiến tranh kết thúc, mọi nhà sống trong cảnh đoàn tụ, độc lập thì nhiều người như anh lại chịu cảnh cô độc.
Chiến tranh đã đem đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng và đau lòng. Nhân vật Xô-cô-lốp không còn nơi để về đành phải đến ở nhờ nhà người bạn. Anh đi làm lái xe cho đội vận tải. Sau giải ngũ “chúng tôi chở các thứ hàng hoá về các huyện và mùa thu chuyển sang chở lúa mì”. Công việc kết thúc cũng là lúc anh trở về với thực tại cô đơn, lạc lõng, anh đã say mê “cái thứ nguy hại” đó là việc hằng ngày vào quán giải khát nhấm nháp những ly rượu. Có lẽ nhờ vào nó sẽ khiến anh bớt phần nào nỗi cô đơn, đau khổ. Cũng chính tại đây anh đã gặp được người cứu rỗi cho tâm hồn mình đó chính là cậu bé Va-ni-a. Hai con người có sự đồng điệu về hoàn cảnh, tâm hồn gặp nhau đã khiến cuộc sống của họ trở nên tươi sáng hơn.
Va-ni-a là cậu bé cô độc. Cha mẹ em đã chết trong chiến tranh, cậu không còn nơi để về, không còn người để nương tựa. Thằng bé sống vạ vật, có gì ăn nấy, bạ đâu ngủ đó. Xô-cô-lốp sau vài lần nói chuyện đã nắm được hoàn cảnh và cảm thấy thương xót đối với cậu bé. Có lẽ vẻ ngoài rách rưới của cậu không làm anh ngần ngại mà anh bị thu hút bởi “cặp mắt cứ như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm”. Anh cảm thấy thích cậu bé, có cảm giác thân quen và cảm thấy nhớ khi không gặp cậu. Chính những điều đó khiến anh có quyết định đem cậu bé về nuôi. Khi đem cậu bé về, hai người bạn của anh cũng đồng tình với hành động của anh. Từ một người không khéo léo, không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ con nhưng anh đã biết chú ý cẩn thận săn sóc Va-ni-a. Anh đưa cậu đi cắt tóc, tắm giặt, mua cho cậu quần áo và cố gắng đi làm để lo cho hai cha con.
Sự xuất hiện của Va-ni-a khiến cuộc đời Xô-cô-lốp trở nên có ý nghĩa hơn, vui vẻ hơn. Buổi tối hai cha con ngủ với nhau, cũng đã lâu lắm rồi anh mới cảm thấy có được một giấc ngủ ngon tới vậy. Nửa đêm anh còn “nhẹ nhàng ngồi dậy đánh diêm ngắm nhìn nó ngủ”. Cậu bé đến với anh như một giấc mơ, anh suy nghĩ “trái tim tôi đã suy kiệt, đã bị chai sạn vì đau khổ, nay trở nên êm dịu hơn”. Cuộc sống vốn như con đường không bằng phẳng, vì thế hai cha con cũng chịu những sóng gió đó là khi anh quệt xe vào người ta và bị tước bằng, sức khoẻ của anh cũng càng ngày càng giảm đi trông thấy. Tuy nhiên anh vẫn cố gắng và không để con nhìn thấy những mệt mỏi mà anh đang chịu đựng.
Qua truyện ngắn Số phận con người, Sô-lô-khốp đã bày tỏ sự đồng cảm, thương xót với những số phận bất hạnh. Tác phẩm còn thể hiện sự khâm phục đối với những con người Nga luôn kiên cường trước những đau khổ, khó khăn của cuộc sống. Dù chịu nhiều bất hạnh những vẫn trao đi những yêu thương, lòng nhân ái với mọi người xung quanh.
XEM THÊM >>>> Phân tích tác phẩm Số phận con người
XEM THÊM >>>> Thông điệp trong tác phẩm Số phận con người
Bài làm 2:
Mi-khai-in Sô-lô-khốp (1905 – 1984), nhà văn Nga được Giải thưởng Nô-ben về văn học năm 1965 và được coi là một trong số các nhà văn lớn nhất thế giới thế kỉ XX. Ông để lại số lượng tác phẩm đồ sộ, những bộ tiểu thuyết lớn và những truyện ngắn hay với cái nhìn chân thực về cuộc sống và chiến tranh. Số phận con người được sáng tác dưới sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Liên Xô, khôi phục tinh thần dân chủ, chống sùng bái cá nhân và trong xu thế quan tâm đến số phận con người sau chiến tranh.
Nhân vật chính trong truyện chính là nhân vật Xô- cô- lốp. Anh là một người rơi vào bi kịch sau khi chiến tranh kết thúc. Trước đó anh phải đi lính và sau khi hòa bình thì anh không còn gì cả, người thân, nhà cửa, bạn bè không còn ai hết. Đối với anh mà nói một lòng chiến đấu vì quê hương đất nước cũng chính là bảo vệ người thân của mình vậy mà giờ đây những người thân yêu của anh đều từ bỏ anh mà đi, bom đạn kia đã cướp họ khỏi anh.
Bởi vì quá đau thương, anh không dám trở về quê hương. Mảnh đất quê hương gắn với biết bao kỉ niệm đẹp đẽ của anh và gia đình, nếu anh trở về đó, từng mảnh kí ức ùa về, có lẽ anh sẽ không thể sống nổi. Chính vì vậy Xô-cô-lốp lựa chọn cách đến ở nhờ nhà bạn, đề vợi bớt nỗi đau đớn và u buồn. Tại đây anh làm nghề lái xe để mưu sinh và trong những ngày đó anh bắt đầu nghiện rượu, anh tìm đến rượu để quên đi quá khứ, chạy trốn những kí ức đeo bám anh. Nhưng anh càng chạy trốn, càng tìm đến rượu thì quá khứ càng ám ảnh anh bấy nhiêu. Sau đó Xô-cô-lốp bị mất bằng lái, anh thất nghiệp nên đã di chuyển đến một vùng đất khác để sinh sống. Những vết tích mà chiến tranh để lại đã hằn in trên đôi mắt màu tro đượm buồn của anh.
Không chỉ con người từng trải như Xô-cô-lốp mới trải qua cảm giác đau đớn ấy mà bé Va-ni-a thơ dại biết bố chết ngoài mặt trận nhưng em vẫn khắc khoải mong đợi ngày bố trở về. Niềm khắc khoải ấy hiện ra trong câu thổ lộ ngây thơ đau thương của em “Bố thân yêu của con ơi!” con biết mà! Con biết thế nào bố cũng tìm thấy con mà! Con chờ mãi mong được gặp bố. Và những kí ức thơ dại của bé Vi-ni-a thỉnh thoảng loé lên làm đau đớn cuộc sống hiện tại “Bố ơi! Cái áo bành tô bằng da của bố đâu rồi?”.
Số phận đau thương, bất hạnh đã khiến cho Xô-cô-lốp và Va-ni-a gặp nhau, bằng tình yêu thương Xô-cô-lốp đã quyết định nhận bé Va-ni-a làm con. Ngỡ rằng hạnh phúc đã thật sự trở lại, ngỡ rằng từ đây đầy ắp tiếng cười và những tiếng ríu rít như chim của bé Vania, nhưng kí ức vẫn hiện về đầy ám ảnh. Người đọc phải chứng kiến những lời nói dối, nhưng lạ thay đó lại là lời đẹp hơn trăm lần sự thật. Bởi sự đồng cảm số phận và tình thương yêu đã gắn chặt cuộc đời hai bố con, một người đang cần nén chặt nỗi đau quá khứ và một người cần được bảo đảm tương lai tốt đẹp. Vậy mà định mệnh lại trêu cợt để cho bố con Xô-cô-lôp lại tiếp tục hành trình giữa đời thường với bao thử thách đón chờ phía trước.
Số phận con người là câu chuyện kể chân thực về một con người bình thường. Nhưng cuộc sống bao dồn đẩy sóng gió đã tôi luyện cho anh một phẩm chất kiên cường, một tình thương yêu bao la. Gương mặt người đàn ông ấy đã sắt lại vì đau khổ, nhưng trái tim tổn thương ấy vẫn đập những nhịp thương yêu nồng nàn với con người. Nhà văn đã lên tiếng thay nhân vật ở cuối tác phẩm, bằng tất cả niềm xúc động sâu xa và lòng cảm phục vô hạn trước nhân cách một con người chân chính. Bức thông điệp của nhà văn giúp ta nhận ra rõ hơn chân dung của nhân dân Nga, vẻ đẹp của tâm hồn Nga và sức mạnh của con người vượt lên bao bi kịch bất hạnh. Đó là sự khẳng định tuyệt đối của nhà văn thể hiện niềm tin tưởng vào con người nhân dân và tương lai của đất nước.
Xô- cô- lốp cùng bé Va ni a chính là hiện thân của những số phận bất hạnh sau chiến tranh. Đồng thời qua tác phẩm này nhà văn kêu gọi mọi người nên có trách nhiệm với số phận của những con người như thế.