Đề bài: Thế giới Kinh Bắc trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm
Bài làm 1:
Tình yêu quê hương đất nước là một nguồn thơ không bao giờ vơi cạn trong văn học nước ta. Đó là cảm hứng chủ đạo của thơ kháng chiến chống Pháp, nó thấm đượm trong từng ngòi bút thơ, đến từng bài thơ. “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm nổi lên như những tiếng thơ sâu lắng thiết tha, là bài thơ của thế giới Kinh Bắc. Sau khi ra đời bài thơ đã được lan truyền rộng rãi trong kháng chiến và được xem là một trong những bài thơ hay nhất viết về quê hương đất nước.
Kinh Bắc là tên một địa danh cũ ở phía bắc Việt Nam, bao gồm toàn bộ ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội. Kinh Bắc trong bài thơ là chỉ quê hương của tác giả trong những ngày mưa bom bão đạn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tác giả viết về “Bên kia sông Đuống” với một tình yêu mãnh liệt. Nỗi đau đất nước quê hương bị tàn phá hiện lên qua những vần thơ xót xa căm giận. Đó là những ngày tháng khủng khiếp nhất: ruộng khô, nhà cháy, quán đổ, chợ tan, là mẹ già “bước cao thấp bên bờ tre hun hút” chạy trốn lũ giặc, là em bé trong mơ cũng “thon thót giật mình” bởi “bóng giặc giày vò những nét môi xinh”.
Thế giới Kinh Bắc được thể hiện ngay chính nội dung nhan đề cũng như nội dung tác phẩm. Thế giới ấy có cảnh vật thiên nhiên, con người Bắc Ninh và những phong tục tập quán văn hóa nơi đây. Quê hương Kinh Bắc cổ kính, tình đất nước là nỗi tiếc thương và căm giận trước những giá trị văn hóa của dân tộc, những sinh hoạt yên vui của nhân dân bị giặc tàn phá, là nỗi xót xa đau đớn trước những số phận bất hạnh của những con người đáng yêu, đáng quí trên quê hương mình.
Hoàng Cầm nhớ về “Bên kia sông Đuống” là nhớ về một vùng quê văn hóa lâu đời với “tranh Đông Hồ gà lợn nét tương trong, màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, với tiếng chuông chùa ngân nga văng vẳng, với lễ hội tưng bừng rộn rã “trên núi Thiên Thai, trong chùa Bút Tháp, giữa huyện Lang Tài”. Nhưng nhớ nhất là những con người của vùng đất ấy không thể nào lẫn được, những gương mặt búp sen, những làn môi cắn chỉ, “những cô hàng xén răng đen- cười như mùa thu tỏa nắng”.
Trong bài thơ, giặc không chỉ giết người, cướp của, mà còn tàn phá cả một vùng văn hóa cổ kính lâu đời, khiến cho “mẹ con đàn lợn âm dương chia lìa trăm ngả, đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã bây giờ tan tác về đâu”. Hoàng Cầm đã tố cáo tội ác của kẻ địch trong chiều sâu của nó, đến cái tận cùng của nó, tàn phá một vẻ đẹp cổ kính, một truyền thống thiêng liêng của dân tộc. Vẻ đẹp của Kinh Bắc ấy tiêu biểu cho mọi miền đất nước, và từ lâu nó đã nằm sâu trong mỗi tâm hồn Việt Nam.
Nhớ quê mẹ là nhớ sông Đuống, dòng sông thơ ấu, nhớ Kinh Bắc, một miền quê giàu đẹp. Một màu “xanh xanh”, một màu “biêng biếc”. Bức tranh quê với gam màu sáng, trải dài rộng đôi bờ sông Đuống hiền hòa đã trở thành một mảnh tâm hồn của đứa con xa quê. Màu xanh của thương nhớ, màu xanh của hoài niệm, màu xanh của ấm no:
“Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc”.
Nhớ hương vị ngọt bùi của ngô khoai, nhớ chất ngọt đậm đà của mía, nhớ màu vàng óng của tơ tằm vấn vương mãi trong niềm thương yêu. Nhớ về “bên kia sông Đuống”, nhà thơ nhớ tới đàn con thơ trong vùng giặc chiếm đóng, đang trải qua những tháng ngày đói khát, hãi hùng: “Ngày tranh nhau một bát cháo ngô – Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn”. Nhớ nhất, thương nhất mẹ già tần tảo “quảy gánh hàng rong” lầm lụi trên nẻo đường mưa lạnh:
“Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ”
Trong kháng chiến trường kì, tất thảy những người con Kinh Bắc từ già đến trẻ, trai gái đều chiến đấu đến cùng, họ sẵn sàng vượt qua khó khăn gian khổ, vất vả, với một ngày mai được tự do độc lập.
“Bên kia sông Đuống” là bài thơ đẹp về tình yêu quê hương, đất nước, một vùng đất Kinh Bắc dân gian cổ kính, một quê hương cách mạng tình nghĩa, anh hùng. Bài thơ để lại trong lòng bạn đọc gần xa bao dư vị nồng nàn tha thiết về một dòng sông thơ mộng, một miền quê trù phú, một miền văn hóa lâu đời. Đó là thế giới Kinh Bắc tiêu biểu cho nền văn hiến lâu đời của dân tộc.
XEM THÊM >>>> Phân tích bài thơ Bên kia sông Đuống
XEM THÊM >>>> Bình giảng đoạn thơ trong bài Bên kia sông Đuống
Bài làm 2:
Hoàng Cầm, một con người sinh ra tại mảnh đất Kinh Bắc Bắc Ninh đầy văn hóa truyền thống. Bài thơ Bên kia sông Đuống được nhà thơ xây dựng với những nét văn hóa truyền thống mang đến cho người đọc một “thế giới Kinh bắc” với thiên nhiên và con người và các loại hình nghệ thuật.
Thế giới Kinh Bắc được thể hiện ngay chính nội dung nhan đề cũng như nội dung tác phẩm. Thế giới ấy có cảnh vật thiên nhiên, con người Bắc Ninh và những phong tục tập quán văn hóa nơi đây.
Em ơi buồn làm chi,
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Tiếng nhớ tiếng thương tha thiết ấy cứ ngân nga mãi trong lòng ta. Những vần thơ “Bên kia sông Đuống” như có một ma lực làm đắm say lòng người hơn nửa thế kỉ nay. Nó như chơi vơi trong không gian và thời gian năm tháng, như dẫn hồn ta nhập vào một thế giới Kinh Bắc diệu kì, một miền quê giàu đẹp có truyền thống văn hóa nghệ thuật lâu đời, với một vẻ đẹp cổ kính thật đáng yêu đáng nhớ.
Đã 3 năm rồi li biệt quê hương, đêm nay giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc, đứa con nhìn về “bên kia sông Đuống” mà “ruột đau chín chiều”. Đất nước và quê mẹ ngùn ngụt lửa hung tàn, lòng con xót xa, không thể nào kể xiết:
“Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”.
Nỗi đau, nỗi nhớ tiếc quặn lòng, tê tái cả tâm hồn, như chết đi một phần cơ thể. Nhớ quê mẹ yêu thương là nhớ một dòng sông thơ ấu cứ lơ thơ, cứ mải miết trôi trong tâm hồn. Nỗi đau, nỗi nhớ, anh muốn được san sẻ cùng em.
Sông đang “nằm nghiêng nghiêng”, như đau trong nỗi đau của đứa con xa nhà đi kháng chiến. Gương sông trong xanh, êm đềm “trôi đi” như “lấp lánh” một sắc trời, một ánh trăng sao:
“Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”
Nhớ tiếc sông Đuống ngày xưa mà “xót xa” sông Đuống trong khói lửa điêu tàn, tang tóc trong hiện tại:
“Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu”
Đâu còn nữa những cánh cò trắng bay lả bay la trên cánh đồng xanh mà chỉ còn có “con cò trắng bay vùn vụt” qua dòng sông thương đau đang “nghiêng nghiêng” trong lửa đạn. Trong bài thơ, 12 lần Hoàng Cầm nhắc đến sông Đuống yêu thương.
Nhớ quê mẹ là nhớ sông Đuống, dòng sông thơ ấu, nhớ Kinh Bắc, một miền quê giàu đẹp. Một màu “xanh xanh”, một màu “biêng biếc” của bãi mía, của bờ dâu, những cánh đồng ngô khoai bát ngát. Bức tranh quê với gam màu sáng, trải dài rộng đôi bờ sông Đuống hiền hòa đã trở thành một mảnh tâm hồn của đứa con xa quê. Màu xanh của thương nhớ, màu xanh của hoài niệm, màu xanh của ấm no:
“Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc”.
Nhớ màu xanh của miền quê là nhớ “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” nhớ thuở thanh bình no ấm yên vui là nhớ hương vị ngọt bùi của ngô khoai, nhớ chất ngọt đậm đà của mía, nhớ màu vàng óng của tơ tằm vấn vương mãi trong niềm thương yêu.
Bên kia sông Đuống, là huyện Thuận Thành, huyện Gia Lương, huyện Lang Tài… phía Nam Bắc Ninh ngày xưa, là nơi quê cha đất mẹ của nhà thơ Hoàng Cầm. Nhớ quê hương là nhớ về một thế giới Kinh Bắc có truyền thống văn hóa nghệ thuật lâu đời. Là nhớ về lễ hội, hội Lim, hội Gióng, hội chùa Dâu, hát Quan họ:
“Dù ai đi đâu đi đâu
Cứ nhìn thấy tháp chùa Dâu thì về”
Nhớ về “Bên kìa sông Đuống” là nhớ tới những con người tài giỏi trong làm ăn, tình nghĩa thủy chung trong cuộc đời. Rất phúc hậu và hồn nhiên, rất tài hoa và tình tứ. Nhớ về “bên kia sông Đuống”, nhà thơ nhớ tới đàn con thơ trong vùng giặc chiếm đóng, đang trải qua những tháng ngày đói khát, hãi hùng: “Ngày tranh nhau một bát cháo ngô – Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn”. Nhớ nhất, thương nhất mẹ già tần tảo “quảy gánh hàng rong” lầm lụi trên nẻo đường mưa lạnh:
“Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ”
“Bên kia sông Đuống” để lại trong lòng bạn đọc gần xa bao dư vị nồng nàn tha thiết về một dòng sông thơ mộng, một miền quê trù phú, một miền văn hóa lâu đời. Đó là thế giới Kinh Bắc tiêu biểu cho nền văn hiến lâu đời của Đại Việt, để ta yêu mến, tự hào.
Nhà thơ Hoàng Cầm đã mang đến cho bạn đọc về một thế giới Kinh Bắc đầy những nét đẹp, về bản sắc văn hóa lâu đời, về truyền thống yêu nước, căm thù giặc. Thiên nhiên Kinh Bắc, con người Kinh Bắc luôn vững bền, quyết chí chống lại sự tàn phá của chiến tranh.