Đề bài: Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Bài làm:
Nếu như ba khổ thơ đầu nhà thơ Huy Cận tập trung miêu tả khung cảnh thiên nhiên thì tới 4 câu kết bài thơ Tràng giang, nhà thơ đã tập trung nhiều hơn để bộc lộ tâm trạng, cảm xúc thông qua những hình ảnh thiên nhiên mang màu sắc cổ điển kết hợp với bút pháp hiện đại.
Tràng giang được in trong tập Lửa thiêng, mạch cảm xúc chung của bài thơ chính là nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và niềm trăn trở của người thi sĩ trước thời cuộc. Đứng trước khung cảnh sông nước mênh mang, bát ngát không có bóng người càng khiến những cảm xúc ấy trở nên dâng trào:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Nhà thơ Huy Cận đã không còn tập trung ánh nhìn bao quát tầm thấp trên dòng sông nữa mà đã phóng tầm mắt lên cao nhìn đến bầu trời. Sự tráng lệ, hùng vĩ của những lớp mây trên nền trời rộng lớn. Hình ảnh núi bạc được tạo nên bởi “lớp lớp” những đám mây thật đẹp và hiếm gặp. Chính thi sĩ đã có lời bình: “Mây trắng hết lớp này đến lớp khác như những búp bông trắng nở ra trên trời cao. Ánh chiều trước khi vụt tắt rạng lên vẻ đẹp”. Chính vì thế mà nhà thơ không kìm được trước vẻ đẹp đó và đã đưa nó vào sáng tác của mình. Hình ảnh những đám mây ấy gợi ta nhớ đến câu thơ Đường của Đỗ Phủ: “Mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Tuy nhiên ở Tràng giang thì có thêm màu sắc và tăng thêm sự rạng rỡ. Đó là màu “bạc” từ những đám mây.
Xem thêm >>> Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang
Xem thêm >>> Phân tích khổ 2 bài thơ Tràng giang
Xem thêm >>> Phân tích khổ 3 bài thơ Tràng giang
Câu thơ thứ hai của khổ cuối lại tiếp tục xuất hiện hình ảnh quen thuộc đó chính là cánh chim trong buổi chiều hôm: “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”. Cánh chim đang nghiêng nhẹ đôi cánh hay do bóng chiều đổ xuống làm trĩu nặng khiến nó không thẳng cánh bay được. Không gian dường như có cả màu sắc, lẫn hình khối và sức nặng của nắng chiều. Nó giống như tâm sự đang chồng chất, nặng trĩu trong lòng người thi sĩ. Cánh chim vào buổi chiều đang tìm đường về sau một ngày dài mệt mỏi giống với cánh chim trong bài thơ “Chiều tối” của Bác Hồ:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
Cũng hình ảnh cánh chim và chòm mây quen thuộc và chứa đựng nỗi buồn trước khoảnh khắc cuối cùng của ban ngày. Nhìn cánh chim đang bay Bác cảm nhận được sự mệt mỏi của đôi cánh ấy sau một ngày dài kiếm ăn. Qua đó ta cũng thấy được sự tương đồng giữa hai hình ảnh thơ của hai bài thơ đều được sáng tác trước cách mạng.
Đến hai câu thơ cuối khổ 4, người thi sĩ đã bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Trước hết đây là hai câu thơ bày tỏ nỗi nhớ quê hương và tình yêu nước của tác giả. Từ thi liệu của hai câu thơ ta thấy toát lên vẻ đẹp cổ điển. Trong thi ca xưa, các thi sĩ cũng hay dùng hình ảnh hoàng hôn khói sóng để gợi nhớ về quê nhà:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
(Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu)
Trong câu thơ trên của Đường thi thì cần phải có khói sóng hoàng hôn mới khiến nỗi buồn thêm thấm thía. Nhưng nhà thơ Huy Cận thì không cần điều đó bởi nỗi lòng ấy, tình yêu quê hương, đất nước ấy đã như ngấm vào sâu trong lòng, trong từng tế bào của người thi sĩ. Câu thơ thể hiện cao độ tình yêu nước thiết tha của nhà thơ. Đồng thời đây cũng là tâm trạng cung của lớp thanh niên tiểu tư sản trước thời đại bấy giờ. Giống như ông đã từng chia sẻ: “Sống giữa quê hương mà bơ vơ như kiếp đi đày”.
Khổ thơ cuối bài thơ Tràng giang chính là khổ thơ hay nhất, đọng lại nhiều cảm xúc nhất trong lòng độc giả. Qua khổ thơ nói riêng và cả bài thơ nói chúng ta mới hiểu được tại sao người ta lại nói Huy Cận là mảnh hồn thiêng sông núi, là nỗi sầu nhân thế. Đồng thời cũng chứng minh được nét cổ điển và hiện đại trong phong cách thơ Huy Cận. Ông xứng đáng là nhà thơ có nhiều đóng góp to lớn trong văn học Việt Nam.