Đề bài: Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu
Bài làm:
Xuân Diệu (1916-1985) là nhà thơ nổi tiếng trong văn học Việt Nam. Ông đã để lại nhiều bài thơ nổi tiếng. Trong số đó phải kể đến bài thơ “đây mùa thu tới”.
“Đây mùa thu tới” là một tuyệt bút của Xuân Diệu, xuất bản năm 1938. Cảm nhận của thi sĩ về mùa thu không chỉ bằng thị giác, bằng thính giác mà bằng một trái tim cháy bỏng, một tình yêu Hà Nội, yêu mùa thu nồng nàn. Nhưng trong câu thơ đầu tiên của bài thơ người ta cảm nhận được một nỗi buồn đến đáng sợ.
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”.
Rặng liễu trầm mặc như “đứng chịu tang”. Lá liễu buông dài như tóc nàng cô phụ “buồn buông xuống”. Lá liễu ướt đẫm sương thu tưởng như “lệ ngàn hàng”. Liễu được nhân hóa đứng chịu tang, từ tóc liễu đến lệ liễu đều mang theo bao nỗi buồn thấm thía.
Đang say mê với nỗi buồn đẫm lệ, Xuân Diệu lại đưa người đọc đến với một niềm vui nho nhỏ, reo rắt như một sự mong chờ từ rất lâu:
“Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
Câu thơ “đây mùa thu tới – mùa thu tới” biện pháp lặp từ rất nhẹ nhàng như sự bừng tỉnh của tác giả sau những ngày buồn đợi thu. Dường như người thiếu phụ kia đã ngừng khóc vì người chồng cô ngóng trông bấy lâu đã quay trở về. Mùa thu đánh thức tác giả bằng chiếc áo mơ phai dệt lá vàng, đặc trưng vốn có của mùa thu. Thu đến thật nhẹ nhàng tinh tế, chứ không chói lóa như khi hạ đến.
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh.
Những luồng run rẩy, rung rinh lá,
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”.
Câu thơ “hơn một loài hoa đã rụng cành” không phải một loài mà là hơn một loài có thể là hai, ba, bốn. Bằng phong cách riêng của mình Xuân Diệu đã nhấn vào tâm trí người đọc những vần thơ đọc một lần có thể nhớ cả đời. Áo mơ phai vừa mới dệt lá vàng, mà giờ đây “hơn một loài hoa đã rụng cành”, “sắc đỏ”, “đôi nhánh khô gầy” đó không phải nét đẹp của thu mà đó là sự báo hiệu mùa đông, thời điểm giao mùa sắp tới.
Những vần thơ tiếp theo tác giả lại gợi cho người đọc cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng, tinh nghịch nhưng rất đáng yêu. Ông không gọi trăng là “ông trăng tròn sáng tỏ” như nhà thơ Trần Đăng Khoa, mà ông lại mạnh dạn gọi là “nàng trăng tự ngẩn ngơ” vừa ước lệ tượng trưng, vừa sáng tạo. “Nàng trăng” nếu nói là ông trăng thì chắc chắn trăng đã già, nhưng đây là nàng trăng có lẽ trăng non đầu tháng, có lẽ thu đã qua đi và đông đã bắt đầu. Bài thơ được viết theo sự tuần hoàn của thời gian thu rồi đến đông như con người trẻ rồi sẽ già.
“Đã nghe rét mướt luồn trong gió,
Đã vắng người sang những chuyến đò”
Xuân Diệu đã “nghe thấy rét luồn trong gió”. Nghe thấy gió luồn, nhìn thấy người đã vắng. Nếu thu là cái buồn man mác thì đông là cái buồn vô tận vì mới chớm đông thôi mà “đã vắng” đọc câu thơ cho ta cảm giác một không gian bao la vô tận nhưng lại vô cùng hiu quạnh. Có lẽ Xuân Diệu đang sợ khi tuổi già đến chỉ còn mình mình trong thế giới rộng lớn bao la.
Khổ thơ cuối là khổ thơ tuyệt đẹp nó hội tụ tất cả cảnh sắc thiên nhiên, mây trời, chim muông và con người:
“Mây vẩn từng không, chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì”.
Cảnh đẹp nhưng lại mang một nỗi buồn vô tận. Đó là sự chia ly, sự chia lìa của cảnh vật, sự chia li của con người. Thiếu nữ buồn không nói, “khí trời u uất hận chia ly”. Lá đã đỏ, đò đã vắng, trời đã lạnh vậy mà chim lại bay đi, để lại không gian mênh mông trống trải. Phải chăng thiếu nữ đang xa người yêu và đang ngồi ngóng trông người yêu sẽ trở về. Bài thơ được mở đầu bằng một nỗi buồn sâu thẳm và cũng kết thúc với một nỗi buồn sâu thẳm.
Với sự kết hợp nhẹ nhàng giữa các giác quan thính giác, thị giác, xúc giác, giữa các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, điệp từ, ước lệ và cách diễn đạt mới mẻ, Xuân Diệu đã góp phần cho nền văn học một tác phẩm có giá trị mang đặc trưng của hồn Việt Nam, hồn Hà Nội.
“Đây mùa thu tới” như một bức tranh mùa thu tuyệt mỹ của Xuân Diệu, tranh không vẽ bằng sơn dầu, bằng màu nước mà tranh vẽ bằng những câu chữ thật nhẹ nhàng nhưng tinh tế. Bài thơ cũng mang đến cho ta một nỗi nhớ, nỗi nhớ cảnh vật Hà Nội xưa khi sang thu.