Home / Những Bài Văn Hay / Phân tích bài thơ Thề non nước của Tản Đà

Phân tích bài thơ Thề non nước của Tản Đà

Đề bài: Phân tích bài thơ Thề non nước của Tản Đà

Phân tích bài thơ Thề non nước của Tản Đà

Bài làm:

Tản Đà (1889 -1939) là một tài năng lớn trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỉ XX. Tản Đà là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà dịch thuật…, trong lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn của ngòi bút tài hoa. Bài thơ “Thề non nước”, bài thơ đặc sắc của Tản Đà được viết trước, rồi sau đó tác giả mới dựa vào bài thơ mà sáng tác truyện ngắn “Thề non nước”, như tác giả nói là “chép lời phong nguyệt mà gửi lời nước non”. Bài thơ đa nghĩa, nhưng trong sâu thẳm của hình ảnh, nhạc điệu và ngôn từ là tấm lòng của thi nhân đối với non sông đất nước.

Bài thơ "Thề non nước" là một kiệt tác của Tản Đà. Bài thơ nằm trong truyện ngắn cùng tên, được Tản Đà sáng tác năm 1921. Cô đào Vân Anh là một du tử – hai nhân vật trong truyện, ngồi uống rượu, cùng nối lời nhau, làm thơ vịnh bức tranh sơn thuỷ – bức cổ họa – có ba chữ triện, chữ Nôm "Thề Non nước" mà thành bài thơ này. Bài thơ viết bằng thể thơ lục bát, gồm có 22 câu thơ. Bốn câu đầu là lời vịnh của du khách, 10 câu tiếp theo của cô đào Vân Anh, 6 câu nối tiếp lại là lời của du khách, 2 câu cuối là tiếng thơ của Vân Anh.

Lời thơ của Tản Đà dù ở phương diện nào cũng tỏ ra phảng phất phong độ của một người rất hăng hái và có nhiệt tâm quyết đem “bút sắt mà mài lòng son”. Trong cuộc đời phiêu bạt đó đây, Tản Đà đã ví mình như dòng nước trôi lênh đênh khắp các sông, hồ, bể cả, trong khi ấy người tình như non cao đứng sừng sững giữa trời, chịu dày dạn với tuyết sương để chờ đợi tình quân:

Nước non nặng một lời thề,

Nước đi đi mãi không về cùng non.

Trong lời thề xưa, câu ước cũ, dù nước có đi mãi chưa về, non vẫn trọn lời thủy chung. Trong cảnh khắc khoải đợi chờ, tháng ngày ủ rũ sầu nhớ, non kia có khác nào như cành cây khô héo vì hạn hán đang mong một trận mưa rào để lấy lại nét thắm tươi.

Nhớ lời nguyện ước thề non,

Nước đi chưa lại, non còn đứng không.

Lời nguyện nước thề non thiết tha là thế, sâu nặng là thế, ấy mà non nước vẫn cách chia. Nước đi, non nhớ nước. Nỗi nhớ vò võ, phôi pha của một người tình nhớ một người tình và “gửi lời non nước” của thi nhân nặng tình với nước non:

“Non cao những ngóng cùng trông,

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.

Sương mai một nắm hao gầy,

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.

Trời tây ngả bóng tà dương,

Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha”.

Hình ảnh của non hiện ra ở đây cụ thể hơn, như một người con gái. Một lần nữa cái phong vị chia li lại thấm đều trên từng câu chữ, lại khắc đậm thêm trong ta một nỗi u tình sâu kín.

Dù trải qua bao năm tháng đợi chờ, vẻ đẹp của giai nhân dưới ánh nắng của buổi chiều tà vẫn còn những nét kiều diễm đáng yêu. Với một mối tình đậm đà gắn bó không rời, nước non vẫn không thể nào quên nhau được:

Loading...

Non cao tuổi vẫn chưa già,

Non thời nhớ nước, nước mà quên non!

Dù cho sông cạn đá mòn,

Còn non còn nước vẫn còn thề xưa.

Lời phân trần, biện bạch nỗi lòng của nước với non mỗi lúc càng thêm chân thành, và cuộc đời nay đây mai đó đã khiến cho mối tình “non nước” phải bị gián đoạn. Nhưng rốt cuộc, sau một thời gian vui thú giang hồ, nước đã trở về sum họp với non, với người tình cũ năm nào, trong cảnh hoan lạc, vui tươi:

Non cao đã biết hay chưa?

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.

Nước non hội ngộ còn luôn,

Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Nước kia dù hãy còn đi,

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.

Nếu nước đã không thể quên non thì non cũng không bao giờ rời xa được nước. Lời thề của non nước sẽ đời đời bất diệt:

Nghìn năm giao ước kết đôi,

Non non nước mức không nguôi lời thề.

Nội dung của bài thơ trên đây được xây dựng trên phương diện tình cảm, một tình cảm thắm thiết và bất di bất dịch. Tản Đà đã dùng non và nước dể diễn tả nỗi lòng của mình và người tình cũ một cách tài tình. Dù lời văn có tính cách ước lệ, nhưng không vì thế mà bài thơ kém phần linh động, trái lại nhờ sự ước lệ mà giọng văn trở nên trang trọng, quý phái.

Bức tranh “Thề non nước” mang một hình ảnh cụ thể của một bức tranh sơn thủy nhưng lại mang nét trừu tượng của một bức tranh phức tạp. Cái hay của bài thơ là ở nghệ thuật ngôn ngữ điêu luyện của Tản Đà, cũng là ở tấm lòng ưu ái của ông với đất nước.

“Thề non nước” là một bài thơ đa nghĩa. Với nghệ thuật ẩn dụ và nhân hóa tác phẩm không chỉ nói lên mối tình nam nữ thủy chung son sắt mà còn bằng một tình cảm yêu nước thầm kín, thiết tha lúc đất nước còn chưa được độc lập tự do. Bài thơ có tác dụng khích lệ lòng yêu quê hương, đất nước.

XEM THÊM >>>> Phân tích truyện ngắn Đời thừa

XEM THÊM >>>> Phân tích bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc

XEM THÊM >>>> Phân tích tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt

XEM THÊM >>>Phân tích bài thơ Bài ca lưu biệt

XEM THÊM >>>> Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn

About adminbvh

Check Also

Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *