Đề bài: Phân tích bài thơ Tảo giải của Hồ Chí Minh
Bài làm:
Hồ Chí Minh, một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, trong quá trình hoạt động cách mạng Bác đã có những sáng tác thơ văn nổi tiếng. Hai bài Tảo giải ở vị trí thứ 41 và 42 của tập Nhật kí trong tù. Hồ Chí Minh viết chùm thơ này trên đường chuyển từ nhà lao Long An đến nhà lao Đồng Chính. Có hiểu thấu tất cả những nỗi gian khổ, cay đắng của Bác trong những ngày trên đường chuyển lao, chúng ta mới thấm thía ý nghĩa sâu sắc của hai bài thơ đó, và quan trọng hơn là hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của thi nhân.
Tảo giải có nghĩa là giải đi sớm, chính xác hơn là bị giải đi sớm. Bác ghi lại rất thực cảnh mình bị chuyển lao trong đêm khuya và vào lúc rạng đông. Nếu đứng riêng, mỗi bài thơ có một nội dung tương đối độc lập. Đứng chung dưới một đầu đề, chúng bổ sung ý nghĩa cho nhau. Bác kể và tả về chuyện bản thân là một người tù bị áp giải trên đường chuyển lao nhưng ý nghĩa thẩm mĩ mà hai bài thơ để lại cho người đọc lại là hình ảnh của một chiến sĩ, thi sĩ vượt lên trên đau khổ đọa đày để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và hòa vào thiên nhiên tâm hồn tràn đầy tình yêu cuộc sống.
“Gà gáy một lần đêm chửa tan
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn
Người đi xa đã ở trên đường xa
Nghênh diện thu phong trận trận hàn”
“Gà gáy một lần đêm chửa tan”. Trong xã hội nông nghiệp Phương Đông, tiếng gà thường có ý nghĩa thời gian. Gà gáy một lần là tiếng gáy đầu, mới quá nửa đêm, trời mới bắt đầu chuyển sang một ngày mới nhưng chưa vẫn còn là đêm khuya. Tuy còn quá sớm như vậy nhưng cuộc giải lao đã bắt đầu. Tiếng gà không chỉ dửng dưng thông báo thời khắc của cuộc chuyển tù mà trong tiếng gà ấy còn gợi lên cái tối tăm, lạnh lẽo, vắng lặng của đêm khuya. Con người trong câu thơ không xuất hiện nhưng ta cũng có thể cảm nhận được cái vất vả, cực nhọc của người tù chính trị khi mọi người còn đang say giấc thì bản thân đã phải chịu đầy ải. Câu thơ nói về hành trình chuyển lao của nhà thơ, dù gian khổ, vất vả nhưng lúc nào cũng ngẩng cao đầu, chủ động, cố gắng vượt lên hoàn cảnh, không cho phép mình gục ngã, người tìm đến thiên nhiên không phải để trốn tránh mà người muốn tâm phải tĩnh để không bị phân tâm.
Bài thơ thứ hai mở đầu bằng vẻ đẹp tinh khôi của bầu trời lúc rạng đông:
Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,
(Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng)
Ẩn chứa trong câu thơ này là một niềm vui. Bác vui vì ánh binh minh đang dần dần toả sáng, xua tan màn đêm tối tăm, lạnh lẽo. Không gian thoáng đãng hơn và ấm áp hơn:
U ám tàn dư tảo nhất không
(Bóng tối đêm tàn quét sạch không)
Những tia nắng mặt trời như một cây chổi vô hình kì diệu quét sạch bóng đêm còn rơi rớt đó đây. Trước mắt Bác, tạo vật tắm trong một màu hồng thanh khiết đầy sức sống. Niềm vui thưởng thức cảnh đẹp của Bác giờ như được tăng lên gấp bội và Người sung sướng cảm thấy:
Noãn khí bao la toàn vũ trụ
(Hơi ấm bao la trùm vũ trụ)
Bao la, toàn vũ trụ là những chữ gợi lên cái rộng lớn, mênh mông. Hơi ấm của mặt trời bao trùm vạn vật và sưởi ấm lòng người. Thi hứng vì thế mà đột ngột dâng cao và mở rộng ra vô tận:
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng
(Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng)
Trước cảnh đẹp của buổi bình minh, cảm xúc dạt dào trong tâm hồn Bác. Bác không còn là một tù nhân mà đã là một thi nhân. Thi hứng vốn đã có sẵn từ trước nay càng thêm nồng. Tâm hồn Bác rung động mãnh liệt trước sự chuyển hóa kì diệu của thiên nhiên buổi sớm mùa thu, cả một vừng hồng bát ngát trước mắt, không gian như rộng đến vô cùng và Người đi, thi hứng bỗng dạt dào tỏa sáng.
Cả bài thơ nói về chuyện giải đi sớm nhưng không hề có bóng dáng của bọn lính áp giải, chỉ có hình ảnh của người tù. Người tù ấy không cúi xuống vì gông xiềng, khổ ải mà lại ngẩng cao đầu nhìn ngắm, thưởng thức vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên. Người tù ấy không kêu rên đâu khổ mà ung dung bước từng bước trên con đường, bóng hình ấy vẫn đầy oai nghiêm và phóng khoáng tưởng như không một nhà tù, không một xiềng xích nào có thể trói buộc.
Cả bài thơ dường như chỉ nói tới thiên nhiên, tới cảm hứng về thiên nhiên sớm mà bỏ qua chuyện “giải đi” rất đời thường. Một lần nữa khẳng định tư thế ung dung, chủ động, đứng trên nghịch cảnh của nhà thơ, nhà cách mạng Hồ Chí Minh.