Đề bài: Phân tích điểm giống và khác nhau giữa nhân vật Việt và Chiến trong “những đứa con trong gia đình”
Bài làm:
“Những đứa con trong gia đình” được nhà văn Nguyễn Thi sáng tác vào năm 1966, in trong tập Truyện và kí xuất bản năm 1978. Tác phẩm ra đời trong những ngày đấu tranh chống Mĩ cứu nước đầy cam go, ác liệt, khi kẻ thù đang tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam nước ta. Truyện kể về những đứa con trong gia đình có truyền thống cách mạng, đó là gia đình hai chị em Chiến và Việt.
Việt và Chiến xuất hiện trong tác phẩm là những người có cùng lý tưởng, được sinh ra trong cùng một gia đình, đều mang tinh thần nung nấu lấy ý tưởng cũng như có cùng ước nguyện đánh giặc để trả thù cho ba má. Cả hai người cùng giành nhau đi tòng quân, mong muốn phục vụ cho đất nước, cho cách mạng. Cả hai người luôn nung nấu giết chết giặc để trả thù cho gia đình, cho quê hương. Họ là người chiến sĩ kiên cường, điều đó được biểu hiện qua chi tiết: Chưa vào quân ngũ nhưng hai chị em đã bắn được tàu chiến của giặc trên sông Đinh Thủy, biểu hiện này cho thấy dù tuổi trẻ nhưng họ có tinh thần chiến đấu lớn, anh dũng, kiên cường, bất khuất.
Việt là một chàng trai, rồi là một người lính dũng cảm, nhưng dẫu sao Việt cũng chỉ là một chàng trai mới lớn, và trong gia đình thì Việt thực sự chỉ là một cậu bé. Cái trẻ con ở Việt không chỉ bộc lộ trong những nét hiếu động, suốt ngày thích bắt ếch, câu cá, bắn chim, lúc nào cũng có cái ná thun trong người.. mà cả trong cái nét hiếu thắng, luôn luôn ưa tranh giành với người chị, không biết nhường nhịn chị vì Việt là em trai của Chiến. Khi những người thân bị chết dưới tay giặc đều là những người việt yêu úy nhất: ông nội, ba mẹ. Gia đình chỉ còn lại chị Chiến, chú Năm, thằng út em với người chị nuôi đi lấy chồng xa. Việt hăng hái tham gia tòng quân giết giặc trả thù cho người thân, bảo vệ quê hương. Ở Việt ta luôn thấy được đó là “cậu tư” gan gạ, muốn lập nhiều chiến công như chị. Qua dòng hồi ức của Việt khi ngất đi tỉnh lại, ta còn thấy được, anh là một người tính tình trẻ con, vô tư, nghịch ngợm của tuổi mới lớn.
Chiến thì khác hẳn với Việt. Có thể Chiến cũng đã như Việt nếu Chiến có một người chị. Nhưng chiến là chị cả của những đứa em không còn cha mẹ. Là con gái, Chiến có cái kiên nhẫn của người phụ nữ đã từng trải cực khổ. Chính là Chiến, chứ không phải Việt, ngồi đánh vần từng chữ, đọc cho được, đọc cho hết, cuốn sổ ghi chép của gia đình đầy máu và nước mắt để nuôi dưỡng cho mình một khát vọng khôn nguôi chiến đấu và trả thù. Là người chị, Chiến trở thành người phụ nữ đảm đang, hy sinh, tận tụy, Chiến không kịp nghĩ gì cho mình trước khi nghĩ đến em. Chiến như lớn hơn tuổi của cô ấy, chín chắn, sâu sắc hơn. Trong cái đêm hôm trước ngày lên đường nhập ngũ, Chiến đã lo lắng, lo liệu đến từng chi tiết công việc gia đình, từ việc gửi đứa em út ở với chú, việc giao nhà, giao đất cho ai quản lí, đến việc gửi bàn thờ má, việc cúng giỗ ba má… việc nào Chiến cũng tính toán cẩn thận chu đáo. Trong cảm nghĩ của Việt, Chiến thật giống hệt như má từ lời nói đến việc làm. Chiến thật đúng là hình ảnh một cô gái Việt Nam ân cần, chu đáo.
Chiến và Việt với tuổi trẻ, ở họ vẫn có sự ngây thơ, hồn nhiên. Chị 19 tuổi và em 18 tuổi nên tính tình rất dễ thương. Họ đều mang những điểm chung có tinh thần căm thù giặc sâu sắc, lập được nhiều chiến công to lớn trong chiến đấu. Là những con người yêu thương cha mẹ, yêu gia đình, quê hương. Cũng chính vì giới tính khác nhau nên cá tính của họ cũng khác nhau. Chiến kiên trì, nhẫn nại, đảm đang, tháo vát, khôn ngoan, già dặn trước tuổi. Còn Việt thì hiếu động, trẻ con, là em nên phó mặc cho chị tất cả, chỉ ừ à qua quýt khi chị bàn việc nhà, rồi ngủ quên lúc nào không biết…
Việt và Chiến đã được tác giả miêu tả qua từng chi tiết, với những đặc điểm chung và tính cách riêng, thông qua việc xây dựng hình tượng hai nhân vật, tác giả đã cho người đọc thấy được truyền thống dân tộc và truyền thống gia đình của người dân Nam Bộ thời kì kháng chiến chống Mĩ.