Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị
Bài làm:
“Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn trong tập truyện Tây Bắc của Tô Hoài, được giải nhất tiểu thuyết, giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Tác phẩm ra đời từ kết quả cuộc thâm nhập đời sống đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc, kể về cuộc đời khốn khó của người dân vùng cao khi chưa có ánh sáng của Đảng. Một trong những thành công của tác phẩm là việc phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị.
Mị vốn là một cô gái trẻ đẹp có tài, có đời sống nội tâm phong phú, “Mị thổi sáo rất giỏi, thổi lá cũng hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Mị giống như một bông hoa rực rỡ đầy hương sắc giữa những ngày hội hè Tây Bắc, cái đáng quí trong tâm hồn Mị là luôn khát khao được sống tự do, không làm nô lệ cho nhà giàu: “con đã lớn rồi, con phải làm nương ngô trả nợ thay cho bố, bố đừng bán con cho nhà giàu”, đó là cái khát khao đáng trân trọng, nó đã thể hiện được bản chất tốt đẹp của cô gái trẻ đẹp và có tài như Mị.
Vì món nợ truyền kiếp. Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra.Tuổi xuân của Mị bị A Sử, con trai thống lí tước đoạt, giày xéo. Mị khổ như con trâu con ngựa. Mị định ăn lá ngón tự tử, nhưng thương cha già, Mị chết không đành lòng. Sống trong đau khổ, Mị gần như vô cảm vô hồn "càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa".
Đêm tình mùa xuân lại đến, cả một không gian tưng bừng, lúa ngô ở các nương đã thu hoạch xong. Gió và rét dữ dội. Cảnh sắc làng Mèo càng đẹp. Màu "vàng ửng" của cỏ gianh. Màu trắng, màu đỏ au, đỏ thậm, màu tím man mát của hoa thuốc phiện vừa nở. Màu "sặc sỡ" của những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá xòe như con bướm. Tiếng "cười ầm" của đám trẻ con chơi quay. Tiếng sáo thổi rủ bạn đi chơi. Tiếng chó sủa xa xa… Trước cảnh tưng bừng ấy, cứ tưởng Mị không bận lòng. Nhưng thật bất ngờ. Những đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài đã hồi sinh và hồi xuân tâm hồn Mị. Tâm trạng và hành động Mị được Tô Hoài thể hiện một cách tinh tế, xúc động.
Khi nghe tiếng sáo từ đầu núi vọng lại, Mị lẩm nhẩm bài hát. Tiếng sáo đã gợi nhớ và thức tỉnh Mị. Mị lén lấy hũ rượu, “uống ừng ực từng bát”. Mị hồi tưởng về cuộc sống ngày trước, bao nhiêu kỉ niệm đẹp thời con gái sống dậy trong Mị. Mị thổi sáo giỏi, có biết bao người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Hồi tưởng lại mùa xuân đẹp thời con gái, điều đó cho thấy Mị đã được thức tỉnh. Khát vọng sống như ngọn lửa đã bừng sáng tâm hồn Mị.
Ngày tết, Mị muốn được đi chơi. A Sử nhìn Mị, Mị "cũng không nói" hay không thèm nói. Hàng loạt hành động "nổi loạn" của Mị diễn ra liên tiếp khi tiếng sáo đang "rập rờn" trong đầu Mị. Tiếng sáo gọi bạn tình như đem đến cho Mị một sức mạnh mới, khơi gợi lòng khao khát yêu đương và hạnh phúc. Khi Mị với tay lấy váy hoa… là Mị thực sự được thức tỉnh, được sống lại thời con gái với bao ước mơ đẹp. Nhưng A Sử độc ác đã trói Mị vào cột nhà bằng một thúng sợi đay. Hai tay Mị bị trói bằng dây thắt lưng, tóc Mị quấn lên cột, Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa. Trong bóng tối, Mị "đứng im lặng". Hơi rượu còn như nâng đỡ tâm hồn Mị. Quên đau khổ, đau đớn thực tại, Mị "vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị theo cuộc chơi,những đám chơi". Bị trói suốt đêm, Mị bàng hoàng tỉnh lúc trời sáng, Mị vừa thương mình, vừa thương người, thương cho thân phận những người đàn bà ở Hồng Ngài "một đời con người chỉ biết đi theo con ngựa của chồng". Mị sợ hãi "cựa quậy" xem mình còn sống hay chết. Dây trói xiết lại "đau dứt từng mảnh thịt".
Trong một đêm, khi A Phủ bị trói, ban đầu Mị dửng dưng, nhưng khi thấy giọt nước mắt của A Phủ đã khiến Mị đồng cảm, chợt nhớ đến hoàn cảnh của mình trong quá khứ. Mị lại biết thương mình và thương cho kiếp người bị đày đọa. Bất bình trước tội ác của cha con nhà Thống lí, Mị đã cắt dây đay cởi trói cho A Phủ, cô chạy theo A Phủ tìm lối thoát để vượt ra khỏi địa ngục trần gian, và để giải thoát chính mình.
Với những chi tiết miêu tả tâm trạng và hành động của nhân vật Mị, một lần nữa nhà văn đã cho người đọc thấy được sự khát khao được sống, được tự do của người con dâu gạt nợ, đồng thời lên án tội ác của những kẻ thống trị tàn bạo.