Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân
Bài làm:
“Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn hay nhất của nhà văn Kim Lân.Truyện được in trong tập “con chó xấu xí” (1962). Truyện kể về anh cu Tràng nhà nghèo ở xóm ngụ cư đã nhặt được vợ khi mà cái đói đang diễn ra, qua đó nói lên số phận con người trong xã hội cũ. Giá trị lớn nhất của truyện “Vợ nhặt” là giá trị nhân đạo.
Giá trị nhân đạo chính là một trong những giá trị cơ bản của tác phẩm văn học, nó được tạo nên bởi niềm tin cảm thông một cách sâu sắc với nỗi đau của con người, luôn nâng niu và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn đó của họ.
Cho đến nay trong nền văn học hiện đại Việt Nam chưa có tác phẩm nào viết về trận đói năm Ất Dậu – 1945 thật hay, thật xúc động như truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân. Cảm hứng nhân đạo dào dạt từ đầu truyện đến cuối truyện. Truyện "Vợ nhặt" đã phản ánh nỗi đau khổ tột cùng của nhân dân ta, của người nghèo trong trận đói năm Ất Dậu. Đoàn người từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế dắt díu nhau lên "xanh xám như những bóng ma" nằm ngổn ngang khắp các lều chợ. Quạ đen đậu trên những ngọn cây bay vù lên "như những đám mây đen" trên nền trời. Mùi gây của xác người vẩn lên khắp xóm chợ. Người chết đói như ngả rạ. Sáng nào cùng ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường.
Truyện ngắn đã đi sâu phân tích tình cảnh của những con người khốn khổ trong nạn đói ấy. Nhân vật Tràng, một gã trai nghèo, xấu xí, lại là dân ngụ cư, sống cùng với mẹ già. Giữa ngày đói câu hò của anh như xua tan mệt mỏi, mang cảm giác vui vui. Anh cũng thật hào phóng khi mời cô gái món quà quê. Anh cu Tràng chỉ với vài câu “tầm phơ tầm phào” mà có người phụ nữ theo về làm vợ. Khi nhặt được vợ anh cũng phân vân có nuôi nổi mình không mà còn đèo bòng nhưng một lúc lâu sau thì anh ta lại “tặc lưỡi”: “Chậc, Kệ!”. Giá trị nhân đạo của truyện đã thể hiện được lòng tin sâu sắc vào sự đổi đời, vào lòng nhân hậu của con người.
Tiếp đến là sự sống rất mạnh mẽ ở nhân vật người vợ nhặt. Thị, một người không quê quán, không họ hàng, xuất hiện giữa chợ tỉnh, phận gái giữa đường bèo bọt dẻ dúng chẳng có giá trị gì, giữa lúc đói khát đã đẩy Thị đến bờ vực của cái chết. Cái đói còn biến Thị trở thành kẻ liều lĩnh cùng đường. Trước miếng ăn, hai con mắt của Thị sáng lên, ngồi cắm đầu ăn một chọc bốn bát bánh đúc, thế rồi sẵn sàng theo không người ta chỉ bằng mấy câu nói tầm phào. Lúc đầu Thị hiện lên là một người cong cớn, sưng sỉa, vô duyên. Sau đó, khi về làm vợ Tràng Thị lại khép nép, hiền hậu, ngoan ngoãn, thu vén cho gia đình.
Bà cụ Tứ vui sướng vì con trai đã có vợ, bà như trẻ lại, nhẹ nhõm, tươi tỉnh "rạng rỡ hẳn lên". Vợ Tràng trở thành người đàn bà "hiền hậu đúng mực". Tràng như từ một giấc mộng bước ra. Anh ngủ dậy cảm thấy "êm ái lửng lơ". Hạnh phúc đến quá bất ngờ. Việc hắn có vợ sau một ngày một đêm mà hắn "vẫn ngỡ ngàng như không phải".
Vợ Tràng sau khi nghe tiếng trống thúc thuế đã báo tin ở mạn Thái Nguyên, Bắc Giang, người ta không nộp thuế, người ta phá kho thóc của Nhật chia cho người đói. Còn anh cu Tràng thấy trong óc mình "lá cờ đỏ bay phấp phới". Cách mạng sắp đến. Nạn đói sẽ bị đẩy lùi. Hình ảnh lá cờ đỏ cuối truyện không chỉ tô đậm giá trị nhân đạo mà còn tạo nên âm hưởng lạc quan đầy chấn động, như một dự cảm về ngày mai ấm no, hạnh phúc.
Với tác phẩm Vợ nhặt, Kim Lân đã cho người đọc thấy được giá trị nhân đạo của tác phẩm, đó là niềm tin sâu sắc vào cuộc sống, niềm khao khát tình yêu và hạnh phúc. Đây là một truyện ngắn đặc sắc của Kim Lân khi viết về nông thôn Việt Nam thời kì trước cách mạng, với những giá trị về nội dung và nghệ thuật tác phẩm đã được rất nhiều thế hệ người đọc yêu thích, chúng ta sẽ tin tưởng nó sẽ tồn tại mãi với thời gian.
XEM THÊM >>> Tình huống nhặt vợ của Tràng
XEM THÊM >>> Kể lại truyện Vợ nhặt
XEM THÊM >>> Phân tích người vợ nhặt trong tác phẩm Vợ nhặt
XEM THÊM >>> Phân tích tác phẩm Vợ nhặt