Home / Những Bài Văn Hay / Phân tích hình tượng rừng xà nu qua 2 chi tiết

Phân tích hình tượng rừng xà nu qua 2 chi tiết

Đề bài: Phân tích hình tượng rừng xà nu qua 2 chi tiết sau:

“Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.”

“Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê… Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.”

Phân tích hình tượng rừng xà nu

Bài làm:

Tây Nguyên –  mảnh đất hùng vĩ nhưng cũng đầy thơ mộng với những con người nồng hậu yêu thương và kiên cường, bất khuất, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân nghệ sĩ. Nguyễn Trung Thành cũng không ngoại lệ. Nhà văn đem đến cho ta hình tượng những “Rừng xà nu” nối tiếp chạy đến tận chân trời như sức sống bền bỉ và bất diệt của nhân dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Điều đó được thể hiện rõ nét qua hai chi tiết đặc sắc trong tác phẩm: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.”“Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê… Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.”

Mở đầu tác phẩm, Nguyễn trung Thành đã tái hiện lại một cuộc chiến đấu thầm lặng mà quyết liệt giữa một bên là rừng xà nu với một bên là đạn pháo của kẻ thù: “Làng ở trong tầm đạn đại bác của đồn giặc.”. Nói cách khác, đạn đại bác của kẻ thù là thử thách đầy ác liệt với sự sống còn của rừng xà nu. Sự sống và cái chết đối mặt trong một thế tương tranh gay gắt. Xà nu lúc này vừa là hiện thân cuả thiên nhiên núi rừng Tây Nguyên, vừa là hiện thân của cái đẹp, sức sống trước những thử thách đau thương. Chính vì bom đạn hủy diệt mà cả cánh rừng xà nu bị tàn phá dữ dội: “Cả cánh rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương.”. Nhà văn sử dụng cách nói độc đáo để nhấn mạnh vào sự thảm khốc, đau thương đến gần như tuyệt đối. Nỗi đau mà rừng xà nu phải chịu đựng hiện hình với nhiều nét, nhiều hình thức khác nhau. Nhưng trong tận cùng đau thương, xà nu vẫn rất kiên cường, mãnh liệt: “đổ ào ào như một trận bão”. Khi ngã xuống, xà nu không ngã xuống trong tủi hờn ai oán, không rơi vào lặng lẽ âm thầm để tan biến vào hư vô mà trái lại dường như nó vẫn ca lên một khúc ca bất tuyệt để biến những cái chết kia thành bất tử. Đó chính là vẻ đẹp phi thường đầy bi tráng của hình tượng xà nu.

Hình ảnh rừng xà nu đau thương bởi sự tàn phá của chiến tranh cũng chính là hình ảnh biểu trưng cho những nỗi đau mà người dân làng Xô Man phải chịu đựng. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào không bị thương. Từ những cây xà nu cổ thụ đến những cây xà nu trưởng thành và cả những cây cà nu con vừa mới mọc lên cũng như tất cả những người dân làng Xô Man từ người già đến người trẻ đều không thoát khỏi bàn tay của kẻ thù. Nhà văn miêu tả nỗi đau của những cây xà nu khi bị giặc tàn phá cũng như những nỗi đau của người Xô Man khi bị giắc tra tấn sát hại. Tiêu biểu cho những nỗi đau của người Xô Man chính là hình tượng người anh hùng Tnú. Trước khi Tnú có thể vươn lên lập được nhiều chiến công, cuộc đời của Tnú cũng phải trải qua biết bao đau thương, mất mát. Từ xà nu cho đến con người đều phải gánh chịu những đau thương của cuộc chiến tranh. Nỗi đau của cây cỏ, của thiên nhiên hòa chung vào nỗi đau của con người để làm nên một màu sắc vô cùng bi thương cho tác phẩm. Nhà văn nhấn mạnh nỗi đau mà xà nu phải chịu đựng cũng là để làm nổi bật sức sống mãnh liệt của rừng xà nu.

Loading...

Khi viết “Rừng xà nu”, cảm hứng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Trung Thành hoàn toàn không phải là một cảm hứng bi thương mà nổi bật lên là niềm say mê ngưỡng mộ trước sức sống kiên cường, mạnh mẽ của rừng xà nu có thể vượt lên trên mọi sự hủy diệt bạo tàn của kẻ thù: “Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê…”.  Đó là một ấn tượng đẹp vô cùng về tư thế vươn lên đầy mạnh mẽ “như những mũi lê” của rừng xà nu từ trong đau thương, sự hủy diệt tàn bạo của kẻ thù. Với Nguyễn Trung Thành ám ảnh về nỗi đau là có những ấn tượng đẹp hơn, sâu đậm hơn vẫn là về một sức sống mênh mông vô tận của một rừng xà nu mênh mông bất diệt: “Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.”. Viết về rừng xà nu là cách Nguyễn Trung Thành thỏa mãn niềm đam mê của mình bằng những câu văn đầy hào hứng, thiết tha để ca ngợi sự khao khát sống, háo hức phóng lên đầy mạnh mẽ không gì cản được của rừng xà nu. Qua đó nhà văn cũng muốn nhấn mạnh một chân lí: Đó là chân lí của sự sống thuộc về thiên nhiên, con người và sự sống luôn mạnh hơn cái chết, hơn mọi sự hủy diệt dù tàn bạo đến đâu đi chăng nữa.

Hình ảnh rừng xà nu với sức sống bền bỉ, mãnh liệt cũng là hình ảnh biểu tượng cho sức sống của người dân làng Xô Man, cũng như là của những con người Tây Nguyên. Người dân làng Xô Man không chịu khuất phục, bị hủy diệt, bị vùi dập. Họ đứng dậy từ trong đau thương cũng như xà nu vượt lên trên sự tàn phá của bom đạn kẻ thù. Đó là sức mạnh kì diệu của thiên nhiên cũng như là của con người. Khi Mai nằm xuống, Dít đã kịp đứng dậy trong những ngày đau thương tang tóc và thậm chí nó còn vững vàng hơn cả chị nó. Ngay chính Tnú dù cuộc đời phải trải qua nhiều đau thương, mất mát nhưng anh đã biến đau thương thành hành động tranh đấu để trả thù cho chính mình, gia đình mình, buôn làng mình, lập nên rất nhiều chiến công. Khi Tnú đi lực lượng thì lại có bé Heng tiếp nối sự nghiệp của anh. Không phải vô tình nhà văn Nguyễn Trung Thành đã để cho thằng bé Heng dẫn Tnú trở về làng. Đó là sự gặp gỡ và còn là sự tiếp nối của các thế hệ  con người làng Xô Man trong một sức sống trường tồn bất diệt. Sức sống đó được thể hiện rõ nhất trong đêm đồng khởi. Bằng sức sống kì diệu, phi thường, những người dân làng Xô Man trước những đau thương, mất mát, hi sinh, họ đã nhất tề đứng dậy chống lại kẻ thù bạo tàn. Đó là một khí thế đấu tranh rất hào hùng của cả một tập thể nhân dân anh hùng để đem đến âm hưởng của những khúc tráng ca, của những thiên anh hùng ca.

Từ hai chi tiết đắc sắc viết về hình tượng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã xây dựng thành công hình tượng nghệ thuật xà nu mang nhiều tầng nghĩa sâu xa trong tác phẩm. Chính điều đó đã làm “Rừng xà nu” trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu trong nền văn học thời kì kháng chiếng chống Mĩ của Việt Nam.

XEM THÊM >>>> Phân tích hình tượng nhân vật cụ Mết

XEM THÊM >>>> Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu

XEM THÊM >>>> Tóm tắt tác phẩm Rừng xà nu Nguyễn Trung Thành

XEM THÊM >>>> Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu

XEM THÊM >>>> Phân tích tác phẩm Rừng xà nu Nguyễn Trung Thành

About adminbvh

Check Also

Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *