Đề bài: Phân tích khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Bài làm:
Nhắc đến nhà thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên đã từng có nhận xét: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa, rực rỡ của mình”. Quả thực vậy, ông đã để lại cho văn học nước nhà nhiều tập thơ hay và có giá trị. Trong đó tiêu biểu nhất là bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.
Nếu như ở khổ một, nhà thơ đã khắc hoạ cho ta thấy bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ tươi đẹp, tràn đầy sức sống thì đến khổ 2 ông lại tiếp tục cho ta thấy được khung cảnh đẹp nhưng phảng phất nỗi buồn qua cái nhìn nội tâm tác giả. Bài văn này chúng ta sẽ cùng đi phân tích khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Huế nổi tiếng với dòng sông Hương, một dòng sông chảy lững lờ , chậm dãi. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng nói đó là “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế” khi viết về dòng chảy của sông Hương. Hai câu thơ đầu khổ hai ta thấy được những hình ảnh quen thuộc đó là: mây, gió và dòng nước. Trước tiên ở câu thơ đầu, ta thấy không gian được mở rộng hơn so với khổ một. ta cảm nhận được cuộc chia ly sắp sửa của mây và gió. Câu thơ được ngắt nhịp 4/3 cũng cho thấy sự chia đôi trong ý thơ. Gió thì thổi theo đường gió, mà mây thì theo đường mây không thể cùng nhau. Dù chúng ta đã biết mây và gió vốn không thể tách biệt nhưng ở đây có lẽ người thi sĩ cảm nhận sâu sắc được tình trạng sức khỏe bản thân. Có lẽ ông sắp rời xa nhân thế nên mây và gió trong thơ ông cũng chịu cảnh chia ly.
Xem thêm >>> Phân tích khổ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Xem thêm >>> Phân tích khổ cuối bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, quả thực vậy hai câu thơ đầu tâm trạng của người thi sĩ giống như nhuốm vào cảnh vật. Dòng nước chảy trôi nhẹ nhàng như đang “buồn thiu”. Bằng việc sử dụng phép nhân hoá khiến cho dòng nước như có linh hồn, như đang chở nặng nỗi buồn, nỗi sầu của người thi sĩ. Nỗi buồn ấy như trải dài, cứ chảy trôi mãi, không bao giờ dừng lại. Hoa bắp hai bên bờ cũng như mang theo dáng hình nhân vật trữ tình mang theo nỗi buồn lay động nhỏ theo gió. Chữ “lay” càng làm cho bức tranh thêm hiu hắt giống với câu ca dao:
“Ai về Giồng Dứa qua truông
Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em”
Cảnh vật nhuốm màu buồn không thể làm tâm trạng nhà thơ trở nên tốt hơn. Có lẽ chính vì vậy người thi sĩ đã tìm đến ánh trăng làm bạn:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Khi nắng xuống trăng lên, cả không gian giống như tràn ngập ánh trăng, được phủ bởi sắc bạc của ánh trăng. Trăng có mặt khắp mọi nơi, từ con thuyền đến bến bờ, trăng như hoà tan vào dòng sông Hương. Phải là một người yêu trăng say đắm mới có thể mường tượng ra hình ảnh “sông trăng” vô cùng gợi hình, gợi cảm này của Hàn Mặc Tử. Đây là một hình ảnh hết sức tinh tế và sáng tạo. Con thuyền ở thực tại nhờ ánh trăng trở nên huyền ảo giống như đi vào mộng tưởng. “Thuyền ai” một đại từ phiếm chỉ, tác giả cũng không chỉ rõ là ai, chỉ biết là con thuyền đang đậu trên bến sông. Cuối khổ thơ lại tiếp tục là một câu hỏi tu từ thể hiện nỗi mong chờ, niềm hy vọng của người thi sĩ: “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Câu hỏi ấy được thốt lên từ một tâm trạng đang chứa đầy lo âu, day dứt của người thi sĩ. Đặt vào hoàn cảnh ra đời bài thơ, khi ông đang lâm bệnh nặng ta càng thêm thấu hiểu được tâm tình của ông lúc này. Tại sao lại là “tối nay” mà không phải tối khác? Bởi ông hiểu được thời gian của bản thân không còn nhiều, ông có thể rời xa trần thế bất cứ lúc nào nên “tối nay” chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhà thơ.
Bốn câu thơ khổ hai bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ tuy ngắn gọn nhưng đã đem đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Thông qua con mắt tinh tế với những hình ảnh giàu tính gợi hình, gợi cảm và những thủ pháp nghệ thuật như: nhân hoá, tả cảnh ngụ tình… ta vừa thấy được một khung cảnh thiên nhiên như trong mộng ảo với tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ trong lúc gần rời xa trần thế.