Đề bài: Phân tích khổ cuối bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Bài làm:
Hàn Mặc Tử là một nhà thơ có cuộc đời gặp nhiều gian truân, bi thương. Ông trải qua thời gian dài sống với bệnh tật và qua đời ở tuổi chưa tới ba mươi. Tuy vậy ông lại là một hồn thơ dồi dào nguồn cảm hứng sáng tạo. Chính vì thế dù thời gian sáng tạo nghệ thuật không dài, cùng với bệnh tật đày đọa nhưng ông vẫn để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông.
Khổ cuối bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là khổ thơ nhằm bộc lộ tâm trạng cũng như sự hoài nghi của ông về cuộc đời. Thế nhưng trên hết đó là tình yêu thương, khát khao được giao hoà với thiên nhiên, khát khao được sống của nhân vật trữ tình. Nếu như ở khổ hai giọng điệu có chút khắc khoải, da diết thì tới khổ cuối, nhà thơ đã chuyển sang giọng điệp gấp gáp, khẩn khoản để bày tỏ niềm khát khao của mình:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Xem thêm >>> Phân tích khổ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Xem thêm >>> Phân tích khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Với nhịp thơ 4/3 và điệp từ “khách đường xa” càng nhấn mạnh sự khắc khoải, khát khao mãnh liệt của tác giả. Vị khách đường xa ấy có lẽ chính là cô gái xứ Huế mà ông đang mong chờ được gặp lại. Nhưng có lẽ người thi sĩ hiểu được mong ước đó sẽ không thành hiện thực nên đang sử dụng từ “mơ” để nói lên tâm trạng của mình. Không mong đợi nữa mà gặp trong mơ thôi cũng được, cũng sẽ vơi bớt nỗi buồn, cô đơn của mình. Câu thơ tiếp theo vị khách ấy được trở nên hiện thực hoá hơn, đó là một bóng hình với áo trắng tinh khôi. Màu trắng không chỉ là sự trong trắng của một mối tình đơn phương mà đó còn là màu của ảo ảnh. Sắc trắng quá khiến người thi sĩ như vẫn đang lạc vào mộng tưởng. Hình bóng giai nhân giống như ảo ảnh, cảm giác không thật giống như cơn bạo bệnh làm người thi sĩ cảm thấy mơ màng, không tỉnh táo. Từ “quá” giống như bộc lộ sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của người giai nhân. Màu trắng trong thơ ca xưa thì mang theo ý nghĩa của sự tang tóc, đau thương, chia ly còn màu trắng trong thơ ca hiện đại mang theo ý nghĩa cách tân hơn. Đó là sự tinh khôi, trong trắng, thánh thiện.
Hai câu thơ cuối của bài thơ dường như càng nhấn mạnh thêm cái mộng ảo, nhà thơ mượn giấc mơ để nói về những diễn biến tâm trạng của người thi sĩ:
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
“Ở đây” người đọc có thể hiểu là nơi mà nhà thơ đang dưỡng bệnh, nơi mà ông không thể rời đi được. Nó giống như không gian đang giam lỏng bản thân, tạo nên sự cách biệt giữa ở đây với thế giới ngoài kia. Màu trắng quá tạo cảm giác không thực thì “sương khói” càng làm cho hình ảnh về người giai nhân như chìm sâu trong mộng tưởng và sương khói của kỉ niệm. Sương khói mờ nhân ảnh giống như sương khói của thời gian, của sự xa cách dài đằng đẵng đã khiến cho mối tình đơn phương của người thi sĩ chìm trong dĩ vãng, người giai nhân bị những lớp sương khói ấy phủ kín.
Lúc này mọi thứ dường như đã quay lưng với người thi sĩ. Chút tình nghĩa người cũ là thứ duy nhất ông mong mỏi để còn lại chút gì đó ràng buộc với đời thì nó cũng trở nên mong manh, xa vời. Có lẽ chính vì thế mà ông mới thốt lên câu hỏi: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Câu thơ giống như một lời nhận định rằng “Em biết tình anh đậm đà” nhưng lại như một câu hỏi của nhân vật trữ tình rằng: “Anh nào có biết tình em có đậm đà không?”. Hiểu theo nghĩa nào ta cũng thấy được một tâm hồn khát khao được yêu thương, khát khao được trân trọng nhưng lại than thở một tiếng ngậm ngùi chua xót.
Khép lại bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ ta thấy được tình cảm của người thi sĩ với thiên nhiên, với người giai nhân thôn Vĩ. Câu hỏi tu từ cuối bài cũng như hai câu hỏi tu từ của hai khổ thơ trước đều đem lại sự ám ảnh, gieo vào lòng độc giả nỗi buồn xót xa cho tình yêu và cuộc đời của người thi sĩ. Đồng thời khổ thơ cũng thành công với ngôn ngữ sáng tạo, giàu sức gợi hình gợi cảm. Tất cả là minh chứng cho sự tài hoa của cây bút Hàn Mặc Tử.
Xem thêm >>> Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Xem thêm >>> Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Xem thêm >>> Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ