Home / Những Bài Văn Hay / Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang của Huy Cận
Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Bài làm:

Huy Cận là nhà thơ với phong cách thơ mang một nỗi buồn sâu lắng, ảo não. Tràng giang là bài thơ tiêu biểu nhất của ông được sáng tác vào năm 1939 và sau đó được in trong tập Lửa thiêng. Được sáng tác khi ông đứng ở bờ Nam của bãi Chèm để thưởng ngoạn cảnh đẹp sông Hồng.

Bài thơ Tràng giang tuy chỉ khắc hoạ vẻ đẹp của sông Hồng nặng đỏ phù sa nhưng cũng gợi nhớ đến những con sông khác. Khơi dậy niềm yêu quê hương, đất nước trước cảnh sông nước mênh mông. Hình ảnh dòng sông được hiện hữu ngay ở nhan đề bài thơ. “Tràng” có nghĩa là dài, hay còn âm khác là “trường”. “Giang” chỉ dòng sông. Ở đây “Tràng giang” có nghĩa là sông dài. Huy Cận đặt nhan đề bằng từ hán Việt khiến bài thơ mang nét Đường Thi. Bên cạnh đó ông không đặt là “trường giang” mà đặt “Tràng giang” trong đó điệp vần “ang” càng khiến nhan đề có thêm âm vang, dàn trải, con sông cũng như được kéo dài hơn.

Xem thêm >>> Phân tích bài thơ Tràng giang

Xem thêm >>> Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Tràng giang

Bài thơ còn được mở đầu bằng lời đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, tiếp tục khái quát lên chủ đề, cảm xúc chính của bài. “Trời rộng” và “sông dài” gợi lên chiều cao, chiều dài của cảnh vật. Đứng giữa trời đất mênh mông, chủ thể trữ tình cảm thấy buồn, man mác. Cảm xúc ấy như thêm sâu lắng, dàn trải khi từ láy “bâng khuâng” được đảo lên đầu câu.

Khổ thơ đầu của bài thơ Tràng giang là bức tranh sông nước với nhiều hình ảnh quen thuộc:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Loading...

Củi một cành khô lạc mấy dòng

Mở đầu khổ thơ với hình ảnh dòng sông mênh mang sóng nước. Từ láy “điệp điệp” kết hợp với con sóng gợi lên hình ảnh những con sóng nối đuôi nhau vỗ vào bờ. Những con sóng như chạy dài tới tận chân trời tạo cảm giác về sự dàn trải, mênh mông giống với hình ảnh dòng sông trong hai câu thơ:

Xanh om cổ thụ tròn xoe tán.

Trắng xóa tràng giang phẳng lặng lờ

                               (Thuyền đi)

Dòng sông với con thuyền là hai hình ảnh sóng đôi thường đi với nhau trong thơ ca cổ. Trong khổ đầu hình ảnh con thuyền xuất hiện đang xuôi mái theo dòng sông. Có con thuyền nhưng lại không thấy bóng dáng của con người, gợi lên sự hiu quạnh, vắng lặng của không gian. “Con thuyền xuôi mái” chỉ con thuyền đang trôi lững lờ trên sông, phó mặc vào dòng nước. Gợi cảm giác lênh đênh, vô định không làm chủ được chính mình. Cảnh vật nhuốm màu buồn bã giống như tâm trạng của chủ thể trữ tình lúc này cũng đang đầy ắp những nỗi buồn không sao tả xiết. Con thuyền và dòng sông giống như dự cảm được cuộc chia ly sắp tới nên cảm thấy “sầu trăm ngả”. Đó phải chăng cũng là nỗi buồn của người thi sĩ.

Câu thơ cuối của khổ thơ đầu ta bắt gặp một hình ảnh nhỏ nhoi, đơn độc giữa dòng nước mênh mông. Đó là: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Nhà thơ Huy Cận đã sử dụng phép đảo ngữ, ông không nói “một cành củi khô” mà là “củi một cành khô” để nhằm nhấn mạnh tới số lượng, là duy nhất cho thấy sự cô đơn, lạc lõng. “Cành khô” để nói lên sự khô héo, cạn kiệt nguồn sống, chỉ còn xơ xác cái thân gầy. Lượng từ “một” đối lập với từ “mấy” càng nhấn mạnh thêm thân phận nhỏ bé của cành củi khô cũng như nhân vật trữ tình trước thiên nhiên rộng lớn. Hình ảnh cành củi lênh đênh, trôi dạt, “lạc mấy dòng”, không biết đi đâu và về đâu. Đó là hình ảnh về một kiếp người nhỏ bé, cô đơn giữa cuộc sống bề bộn. Trong thi ca xưa, các thi sĩ thường dùng những hình ảnh như: tùng, cúc, trúc, mai để làm thi liệu thì Huy Cân lại đem đến nét hiện đại đó là dùng một cành củi khô rất đỗi bình thường. Chẳng thế mà Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử thơ ca nhân loại có một cành củi khô trôi dạt giữa dòng trong thơ Huy Cận”.

Qua việc phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tràng Giang, ta thấy được một tâm hồn đầy ưu tư, sầu muộn trước thời cuộc. Đặt vào hoàn cảnh ra đời bài thơ đó là khi đất nước đang chịu ách đô hộ thì đó là tình cảm, cảm xúc chung của thời đại, của người dân Việt Nam. Bài thơ xứng đáng là tác phẩm tiêu biểu của phong trào thơ Mới.

Xem thêm >>> Phân tích khổ 2 bài thơ Tràng giang

Xem thêm >>> Phân tích khổ 3 bài thơ Tràng giang

Xem thêm >>> Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang

About adminbvh

Check Also

Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *