Đề bài: Phân tích người vợ nhặt trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân
Bài làm:
Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện thực Việt Nam, ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Vợ nhặt là truyện viết về hình ảnh người nông dân trong nạn đói năm 1945. Nhắc đến tác phẩm, người đọc ắt hẳn sẽ không quên người vợ của Tràng, một người phụ nữ không tên tuổi, quê quán nhưng luôn cố gắng vượt qua cuộc sống nghèo đói, vượt qua số phận.
Nhân vật Thị được giới thiệu là một người không tên tuổi, không quê quán họ hàng, xuất hiện giữa chợ tỉnh. Quần áo rách như tổ đỉa, gầy sọp, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Không có việc làm cụ thể, cuộc sống bấp bênh, cái đói đã hành hạ và đẩy chị đến bờ vực của cái chết.
Trước khi về nhà bà cụ Tứ, Thị cùng với mấy chị con gái ngồi vêu ra ở cửa nhà kho thóc Liên đoàn chờ nhặt hạt rơi, hạt vãi, hay ai có công việc gì gọi đến thì làm. Trong nạn đói hồi ấy, thân phận con người thật rẻ rúng. Đâu phải vợ Tràng mới là người không tên, không tuổi, còn biết bao chị gái như thế.
Khi mới gặp Tràng,Thị là người đanh đá, táo bạo tới mức trở nên trơ trẽn. Nghe anh chàng phu xe hò một câu cho đỡ nhọc
Muốn ăn cơm trắng mấy giò này
Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì!
Thị đã cong cớn bám lấy rồi vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng. Gặp lần thứ hai, khi Tràng vừa trả hàng xong, thị đâu xầm xầm chạy đến. Thị đứng trước mặt mà xưng xỉa nói: Điêu! Người thế mà điêu! Khi thấy anh Tràng có vẻ dễ bắt nạt, Thị tiếp tục cong cớn. Thấy có miếng ăn, hai con mắt của Thị tức thì sáng lên rồi ngồi sà xuống ăn như chết đói. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong, thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng mà khen ngon.Phải chăng đấy là tính cách vốn có của người đàn bà này? Không, từ đầu đến lúc theo Tràng về nhà, người phụ nữ ấy hành động hoàn toàn theo bản năng của mình. Thị làm tất cả chỉ để có được miếng ăn.
Chị về nhà chồng trong tình cảnh thật thảm hại, theo không Tràng vì Tràng cho ăn đó là hành động thật liều lĩnh. Cái đói quay quắt đã dồn đẩy chị, làm cho chị đánh mất cả sĩ diện và lòng tự trọng. Trên con đường trở về nhà chồng, người phụ nữ này không tự tin vì thân phận của mình, đồng thời có cả sự tủi phận, ngại ngùng, lo âu. Thị cảm thấy khó chịu trước lời chêu chọc của những người dân xóm ngụ cư: “người đàn bà có vẻ khó chịu lắm, chị nhíu đôi lông mày lại, sắp lại tà áo, chân nọ bước díu vào chân kia”, tâm trạng ấy thể hiện người con gái này suy tư về con đường ở trước mắt, đồng thời không dấu được niềm khao khát hạnh phúc.
Về làm dâu, Thị mang một tâm trạng ngại ngùng của một nàng dâu mới, buồn tủi cho gia cảnh nhà chồng “Thị lẳng lặng theo hắn vào trong nhà, cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Thị đảo mắt nhìn xung quanh cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài…” Thị buồn và thất vọng, lo lắng khi thấy gia cảnh nghèo khó của Tràng, vì khi theo Tràng chị muốn trốn chạy cái đói nhưng cái đói không chừa một ai.
Chỉ qua một đêm về làm dâu, ở người con gái này đã có sự thay đổi rất nhanh, Thị đã trở thành người đàn bà nhanh nhẹn, tự tin, Thị chủ động dọn dẹp quét tước nhà cử. Hơn thế nữa, sự có mặt của người đàn bà trong ngôi nhà này chính là mối gắn kết tình cảm trong gia đình. Với khả năng của mình, Thị đã đem lại hạnh phúc cho gia đình này. Ở Thị còn có thái độ lễ phép với mẹ chồng.Trong bữa ăn ngày đói, khi nhận bát cháo cám “hai con mắt Thị tối lại” “Thị điềm nhiên và vào miệng” vì không nỡ làm mất đi niềm vui tội nghiệp của người mẹ già khốn khổ. Thị là người đã dấy lên niềm tin mới về cách mạng, tạo niềm tin hi vọng cho chồng khi kể chuyện ở Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không còn đóng thuế nữa và Việt Minh đi phá kho thóc Nhật chia cho người đói.
Nhân vật vợ Tràng đã được tác giả xây dựng rất thành công, qua nhân vật Thị người đọc hiểu thêm phần nào về số phận của những người nông dân nghèo khổ trong nạn đói năm 1945. Đồng thời gián tiếp tố cáo một xã hội đã đẩy con người ta đến bước đường cùng.
BÀI VĂN HAY