Đề bài: Phân tích nhân vật Hạ Du trong tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn

Bài làm 1:
Lỗ Tấn là một nhà văn lớn của văn đàn Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại sa sút, chính vì vậy ông cảm nhận sâu sắc được những mặt tối thối nát của chế độ phong kiến suy tàn. Các sáng tác của ông cũng nhằm phơi bày những vấn đề bức xúc trong đời sống tinh thần dân tộc, những hiện tượng bệnh hoạn của xã hội Trung Hoa đương thời. Tác phẩm Thuốc được in trong tập Gào thét chính là một trong những sáng tác tiêu biểu của Lỗ Tấn.
Truyện ngắn Thuốc xoay quanh gia đình lão Hoa với đứa con trai độc đinh bị bệnh nan y. Không chỉ gia đình ông mà đông đảo người dân bấy giờ đang tin tưởng tôn thờ “thứ thuốc” được xem là chữa được các bệnh nan y như: lao, phong… Thứ được người dân thần thánh hoá đó là loại bánh bao được tẩm máu người tử tù bị chém đầu. Những người dân ngu muội, u mê đầu óc lại rất tin tưởng vào nó, tranh giành để có được nó. Bên cạnh gia đình lão Hoa với những vị khách của quán trà, trong tác phẩm còn nổi bật lên nhân vật Hạ Du, gây nhiều ấn tượng cho người đọc và góp phần truyền tải suy nghĩ, thông điệp của Lỗ Tấn.
Nhân vật Hạ Du không được nhà văn miêu tả trực tiếp mà thông qua những cuộc trò chuyện của các nhân vật khác thì Hạ Du như được hiện hữu rõ ràng hơn trước mắt độc giả. Anh là một chiến sĩ cách mạng yêu nước, Hạ Du sớm hiểu được cần phải giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa phong kiến đang suy tàn và sự kìm kẹp, bóc lột của phát xít Nhật. Giữa cộng đồng còn đang u mê, bị bao trùm bởi sự tăm tối của xã hội bấy giờ thì những quan điểm chính trị của Hạ Du trở thành sai trái, là “giặc” trong mắt mọi người. Ngay cả người thân của anh cũng không công nhận điều anh làm, không hiểu anh. Thậm chí người đẩy anh vào lao tù lại chính là cụ Ba, người thân của anh, chỉ để lấy tiền thưởng và tránh bị liên lụy.
Hạ Du khi bị bắt vào tù không những không sợ mà còn cố gắng thuyết phục người khác theo cách mạng. Tuy nhiên trong con mắt của mọi người khi nhận xét về việc đó lại là: “Còn cái thằng nhãi con ấy thì chẳng ra cái gì hết. Nằm trong tù rồi mà cìn dám rủ dê lão đề lao làm giặc”. Quan điểm của Hạ Du và lời hô hào của cách mạng mà anh theo đuổi đó là “Thiên hạ nhà Mãn Thanh là của chúng ta”. Đây là lời khẩu hiệu hô hào đồng bào đứng lên chống nhà Mãn Thanh, cũng là lời Hạ Du nói với lão Nghĩa mắt cá chép. Qua đó bày tỏ lí tưởng lật đổ chế độ phong kiến đớn hèn, giành chính quyền về tay nhân dân. Qua đó cũng thể hiện ý thức bảo vệ độc lập dân tộc, đánh đuổi ngoại xâm của anh.
Hạ Du còn là một người đáng thương, cô độc. Không ai hiểu anh, ngay cả đến mẹ đẻ anh cũng nghĩ anh là giặc như người ta. Để rồi bà cảm thấy xấu hổ khi ra ngoài, khi đi thăm mộ con. Bà không dám bước tới khu mộ con nằm một bên đường mòn bởi sợ người ta điều tiếng. Mộ của anh được chôn tách biệt với những người chết vì nghèo đói, anh bị chôn ở bên những người chết vì tù tội, tử hình. Cái chết của anh trở thành niềm vui, thành niềm mong ngóng của người dân để lấy máu làm thuốc. Mọi người tranh giành nhau thứ thuốc ấy, người bệnh ngấu nghiến thứ bánh bao tẩm máu anh với niềm tin sẽ khỏi được bệnh nan y. Có thể thấy Hạ Du chính là biểu tượng cho cách mạng Tân Hợi, tuy góp phần vào việc lật đổ chế độ phong kiến sau này nhưng vì chưa có con đường đúng đắn, còn rời xa quần chúng nên đã bị thất bại. Bên cạnh đó tác giả Lỗ Tấn còn muốn nhấn mạnh đến sự u mê, không chịu thức tỉnh của phần đông dân chúng Trung Quốc lúc bấy giờ. Họ mắc một “căn bệnh tinh thần” nghiêm trọng và cần tìm kiếm phương thuốc để chữa khỏi nó.
Cuối cùng thông qua nhân vật Hạ Du trong tác phẩm Thuốc, tác giả đã thành công nêu lên những hiện thực đen tối của xã hội, gợi lên mối quan hệ giữa cách mạng và quần chúng nhân dân. Đem lại bài học cho sự nghiệp cách mạng là phải gần gũi với quần chúng và cần được quần chúng nhân dân ủng hộ mới đem lại kết quả tốt đẹp. Đồng thời nhen nhóm hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Bài làm 2:
Lỗ Tấn là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của văn học Trung Quốc. Ông chủ trương lấy tác phẩm của mình để chữa trị căn bệnh tinh thần cho người dân Trung Hoa lúc bấy giờ. Thuốc là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông, được sáng tác năm 1919 khi cuộc vận động Ngũ Tứ bùng nổ. Trong truyện ngắn này, bên cạnh hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu đầy ám ảnh, ta còn ấn tượng sâu sắc với nhân vật Hạ Du, người cách mạng nhưng lại chịu cái án xử tử đầy bi thảm.
Ở tác phẩm trước hết là sự xuất hiện của nhân vật đám đông, họ xuất hiện lần đầu tiên vào buổi sáng sớm, ở pháp trường, khung cảnh diễn ra vô cùng náo loạn. Trong họ mang niềm phấn khích tột cùng, háo hức đến xem cảnh hành hình người chiến sĩ cách mạng Hạ Du. Lần thứ hai đám đông được tác giả khắc họa khi trời đã sáng hẳn, lúc này không gian có sự thay đổi, từ pháp trường dịch chuyển về quán trà của lão Hoa, họ bàn tán, bình luận về người tử tù, về cái chết của tử tù, về những việc Hạ Du đã làm.
Nhân vật Hạ Du không được trực tiếp xuất hiện trong đoạn trích này mà chỉ được xuất hiện trong những lời bàn tán của những người khách bên quán trà của nhà ông Hoa. Nhân vật này có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích, bởi nó là mắt xích chi phối toàn bộ sự việc trong tác phẩm. Nhân vật Hạ Du là nhân vật biểu hiện cho lí tưởng cách mạng, là người chiến sĩ giác ngộ cách mạng rất sớm khi nhận ra dân tộc mình đang sống trong bóng tối của sự u mê. Thậm chí có người còn nói anh là điên, là khùng, dở hơi đi làm những chuyện đó.
Hạ Du dành cả cuộc đời, tuổi xuân của mình để hoạt động cách mạng, thậm chí khi bị giam giữ trong trại giam đợi ngày tử hình thì Hạ Du vẫn hiên ngang tuyên truyền lí tưởng cách mạng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của anh lại không được đền đáp, đấu tranh, dâng hiến cả sự sống cho sự nghiệp đấu tranh của nước nhà nhưng điều Hạ Du nhận lại chỉ là sự miệt thị, coi thường của quần chúng. Ngay cả mẹ của anh cũng không thể hiểu được những điều anh đang làm và từng có lúc xấu hổ vì có người con là kẻ phản tặc, chú ruột của anh vì cái lợi trước mắt mà bán đứng anh cho chính quyền.
Bộ mặt tàn bạo của xã hội phong kiến Trung Quốc, họ không thấy được cái giá trị, việc làm của Hạ Du. Tác giả phê phán, vạch rõ sự u mê, mù quáng, lạc hậu của quần chúng, những kẻ không có tinh thần dân tộc, tư tưởng mất gốc, lạc hậu về chính trị. Qua dư luận của quần chúng, nhà văn Lỗ Tấn cho ta hiểu nhiều điều gì về các chiễn sĩ cách mạng ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Qua biểu hiện của dư luận và sự ghẻ lạnh của quần chúng cho thấy sự thoát li quần chúng của nhân vật Hạ Du. Hoạt động cách mạng của hạ Du quá đơn độc theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Điều đó thức tỉnh con người rằng nếu các chiến sĩ cách mạng không giác ngộ quần chúng để khi chết không ai hiểu gì về ý nghĩa về việc làm của mình thì mọi lý tưởng cao đẹp cũng trở thành vô nghĩa lí.
Qua hình ảnh nhân vật Hạ Du, tác giả bày tỏ sự kính trọng, cảm phục nhân cách, lòng yêu nước của người chiến sĩ cách mạng Hạ Du, đồng thời bộc lộ lòng thương cảm sâu xa đến những chiến sĩ tiên phong của cách mạng Tân Hợi.
Ở cuối truyện, hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du chính là niềm lạc quan của tác giả về con người và tương lai của dân tộc. Mẹ Hạ Du thăm mộ vào tiết Thanh minh và phát hiện có vòng hoa trên mộ, bất giác bà giật mình. Rõ ràng có một vòng hoa, rồi bà ngạc nhiên đến sững sờ. Vòng hoa không có nhiều hoa nhưng được đặt rất chỉnh tề, trang trọng. Với hình ảnh vòng hoa trên mộ thể hiện một niềm mơ ước, nguồn an ủi, niềm tin của tác giả vào sự hi sinh của người chiến sĩ cách mạng, không phải mọi người đều hững hờ.
Qua hình tượng nhân vật Hạ Du, truyện ngắn Thuốc là tiếng nói phê phán quyết liệt sự lạc hậu của quần chúng nhân dân và mong ước nhân dân sẽ tiến bộ hơn, có cái nhìn đúng đắn hơn về người chiến sĩ cách mạng.