Đề bài: Phân tích nhân vật Việt trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình
Bài làm:
Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” là một trong những sáng tác xuất sắc nhất của Nguyễn Thi. Truyện thành công ở nhiều mặt, nhưng nổi bật nhất là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Trong đó nhân vật Việt, nhân vật trung tâm đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm.
Việt là một chiến sĩ trẻ, vẫn giữ tính hồn nhiên của một người con trai mới lớn, là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Việt xuất thân trong một gia đình lớn, “gia đình cách mạng”. Những con người trong gia đình ấy đã gắn bó với nhau trong một mối tình ruột thịt, người nào cũng đáng yêu, đáng quý, người nào cũng có bản chất riêng, nhưng lại thống nhất với nhau về lòng căm thù giặc, hành động dũng cảm, gan góc trong chiến đấu, có niềm say mê và khao khát được đánh giặc, rất tình nghĩa, rất đỗi thủy chung với gia đình, với cách mạng và Tổ quốc. Hơn nữa, Việt xuất thân trong một gia đình mang nặng thù nhà, nợ nước. Ông nội của Việt bị lính tổng Phòng bắn vào giữa bụng, bà nội bị lính quận Sơn hành hạ, đánh đập. Ba của Việt thì bị giặc chặt đầu, má Việt thì bị trái ca nông của Mĩ giết chết khi đi đấu tranh ở Mỏ Cày, rồi cả thím Năm… những người thân trong gia đình của Việt lần lượt bị giặc sát hại. Những đau thương mất mát này đã sớm khơi dậy lòng căm thù giặc của Việt, đồng thời cũng sớm khơi dậy ý thức đấu tranh để trả thù nhà và góp phần vào việc đấu tranh giải phóng miền Nam của nhân vật này.
Việt hăng hái tham gia tòng quân giết giặc trả thù cho người thân, bảo vệ quê hương. Ở Việt ta luôn thấy được đó là “cậu tư” gan gạ, muốn lập nhiều chiến công như chị. Qua dòng hồi ức của Việt khi ngất đi tỉnh lại, ta còn thấy được, anh là một người tính tình trẻ con, vô tư, nghịch ngợm của tuổi mới lớn.
Càng lớn lên ý thức và hành động của Việt càng chín chắn hơn. Việt đã cùng chị đánh giặc trên sông Định Thủy, rồi lại cùng chị tranh nhau xin đi bộ đội. Ý thức đấu tranh quyết liệt đã thể hiện ở Việt ngay trong câu chuyện giữa hai chị em trong cái đêm cả hai đều được đi bộ đội. Khi Chiến nói với Việt: “Chú Năm nói mày với tao kỳ này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”, thì Việt trả lời ngay với chị: “Chị có bị chặt đầu thì chặt chứ chừng nào tôi mới bị". Câu nói ấy của Việt đã thể hiện một thái độ khá dứt khoát, một ý chí quyết ra đi trả thù cho ba má.
Tuy chiến đấu rất dũng cảm nhưng ở Việt vẫn còn mang tính chất trẻ con, rất thương chị nhưng không biết lo toan cùng chị, chỉ biết đi chiến đấu. Việt chưa bao giờ nghỉ tới cái chết, mà cũng chưa nghe ai nói rõ nó ra sao. Việt không hề biết sợ chết, chỉ sợ là “không còn được ở chung với anh Tánh và cũng không được đi bộ đội nữa thì buồn lắm”. Những điều suy nghĩ của Việt thật ngây thơ và thật đáng yêu làm sao. Trước sau, trong hoàn cảnh nào Việt cũng nghĩ đến chiến đấu. Đó chính là bản chất vốn có của Việt và cũng chính là bản chất tốt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ.
Giữa trận đánh. Việt bị thương nặng. Mất liên lạc với đồng đội, trơ trọi một mình, chịu đói chịu khát, mình đầy thương tích, Việt vẫn can đảm chịu đựng. Dù lúc tỉnh lúc mê, Việt vẫn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu mỗi khi choàng dậy. Đồng đội tìm được Việt, dù kiệt sức, Việt vẫn giữ tư thế sẵn sàng chiến đấu sinh tử với kẻ thù “ ngón tay Việt vẫn đang đặt ở cò súng, đạn đã lên nòng và anh tưởng là quân địch tới”. Hình ảnh người lính bị thương vẫn giữ tư thế sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng đã thể hiện được tính cách anh hùng của nhân vật.
Việt mang nặng thù nhà nợ nước nên tinh thần chiến đấu luôn thôi thúc Việt và anh đã chiến đấu đúng nghĩa một người anh hùng.
Với việc xây dựng và khắc họa hình tượng nhân vật Việt, Nguyễn Thi đã cho người đọc thấy được mẫu người anh hùng của người dân Nam Bộ thời kì kháng chiến chống Mĩ. Đó là những con người kiên cường, anh dũng, dù phải hi sinh và mất mát đến đâu nhưng ở họ luôn có một tinh thần đấu tranh kiên cường.