Đề bài: Phân tích tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê

Bài làm 1:
Hê-minh-uê là một nhà văn tiêu biểu nhất của văn học Mỹ thế kỉ XX. Ông đã có nhiều đóng góp và để lại dấu ấn sâu sắc của văn xuôi hiện đại phương Tây. Ông già và biển cả là tác phẩm đánh dấu tên tuổi của ông và là tác phẩm tiêu biểu cho nguyên lí “tảng băng trôi” của nghệ thuật.
Ông già và biển cả viết về cuộc ra khơi đánh cá dài ba ngày ba đêm của ông lão Xan-ti-a-gô. Một mình ông trơ trọi giữa sự mênh mông của biển cả. Ông đuổi theo những con cá lớn, đương đầu với đàn cá mập đang cắn xé con cá kiếm của ông. Đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc phần cuối của truyện, đoạn kể về việc Xan-ti-a-gô đuổi theo và bắt được con cá kiếm. Văn bản có hai phân cảnh đó là: cảnh con cá kiếm bị mắc câu đang cố vùng vẫy và cảnh ông lão bắt được con cá đưa nó về bến.
Mở đầu của tác phẩm đó là vào thời điểm ngày thứ ba trên biển sau khi con cá bị mắc câu. Lúc này mặt trời rạng rỡ. Cả ông lão cả con cá đều không chịu lùi bước. Con cá thì lượn vòng vòng thành vòng tròn, còn ông lão thì nghĩ “Bây giờ mình phải khuất phục nó rồi sau đó mình phải giết nó”. Sau hai giờ đồng hồ thì con cá và cả ông lão cũng thấm mệt, cả hai tiếp tục đấu tranh trong âm thầm, giằng co nhau, không bên nào chịu thua. Cuộc chiến cuối cùng cũng đi vào hồi kết, con cá đuối sức và bị trúng lao của ông lão, con cá kiếm đã “nằm ngửa phơi cái bụng bạc của nó lên trời”. Cuộc chiến dài mấy ngày cũng đã kết thúc với thắng lợi của ông Xan-ti-a-gô.
Truyện Ông già và biển cả có hai hình tượng được tác giả khắc hoạ đó là hình tượng con cá kiếm và ông lão đánh cá. Trước tiên Hê-minh-uê đã miêu tả rất kĩ về con cá kiếm, nó hiện lên với một hình tượng đẹp đẽ: “Cái đuôi lớn hơn cả chiếc hái lớn màu tím hồng dựng lên trên mặt đại dương xanh thẫm”. Đó là một con cá to lớn khiến chính ông lão kinh ngạc: “cái bóng đen vượt dài qua dưới con thuyền, đến mức lão không thể tin nổi độ dài của nó”. Khi con cá bơi mấp mé mặt nước ông đã thấy nó với thân hình đồ sộ với những sọc màu tía trên mình, bộ vây to sụ ở bên sườn xoè rộng… Những vòng bơi của con cá khiến ông lão cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Ông cảm nhận thấy sức mạnh siêu nhiên của nó, dù nó đang bị nguy hiểm, cận kề cái chết vẫn kiên cường chống trả không lùi bước. Hình tượng con cá đại diện cho vẻ đẹp và sức mạnh vĩ đại của thiên nhiên. Dù cho nó bị thua cuộc trước ông lão nhưng cảnh chiến đấu của nó tới tận giây phút cuối cùng, đem đến những khó khăn cho đối thủ thì nó vẫn là một cái gì đó rất vĩ đại. Điều đó làm tôn lên chiến thắng của Xan-ti-gô, khiến chiến thắng của ông càng trở nên vẻ vang, đáng được kính phục, ngưỡng mộ. Qua đó ta thấy được hình tượng con cá kiếm còn biểu trưng cho cái đẹp, cho ước vọng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.
Hình tượng nhân vật Xan-ti-a-gô được tác giả đặt lên cao hơn con cá để khẳng định vị thế của con người. Với 84 ngày đêm thất bại ông sau đó đã tìm kiếm được mục tiêu của mình. Không phụ mong đợi của mình, ông đã bắt được con cá kiếm lớn ngoài sức tưởng tượng. Có thể thấy Xan-ti-a-gô là người rất miệt mài, kiên trì với lí tưởng của mình. Ông không chỉ đại diện cho người lao động hăng say không ngừng nghỉ mà còn biểu tượng cho niềm đam mê sáng tạo, cống hiến, tìm kiếm cái mới của người nghệ sĩ. Thông qua cuộc chiến đấu anh dũng cả ông đã toát lên vẻ đẹp của con người khổng lồ trước thiên nhiên vĩ đại. Bằng sự lành nghề, kinh nghiệm và cả sự kiên trì quyết tâm ông đã chiến thắng thiên nhiên. Hành động “phóng lao trúng tim con cá” của ông đã cho thấy sự điêu luyện, dứt khoát, sức mạnh to lớn của ông.
Tóm lại, tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê đem lại cho người đọc trải nghiệm thú vị về một cuộc đi săn trên biển. Qua đó ta thấy được vẻ đẹp, sức mạnh của con người trước thiên nhiên hùng vĩ. Đồng thời cảm nhận sâu sắc tâm tư của nhà văn trên con đường chinh phục nghệ thuật với những trăn trở sáng tạo không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ.
XEM THÊM >>>> Phân tích nghệ thuật ông già và biển cả
XEM THÊM >>>> Phân tích hình tượng Ông già trong Ông già và biển cả
Bài làm 2:
Hê-minh-uê (1899-1961) là một tiểu thuyết gia người Mỹ, một nhà văn viết truyện ngắn và là một nhà báo xuất sắc. Ông là một phần của cộng đồng những người xa xứ ở Paris trong thập niên 20 của thế kỉ XX, và là một trong những cựu quân nhân trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong những tác phẩm ông viết, bạn đọc không thể nào quên được tiểu thuyết Ông già và biển cả. Tác phẩm đã đạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1953.
Bối cảnh của truyện là ngôi làng chài yên ả gần bến cảng La-ha-ba-na. Nhân vật chính là ông lão ngư phủ Xan-ti-a-gô với mơ ước cháy bỏng là sẽ đánh bắt được một con cá lớn nhất trong đời. Một mình trên con thuyền nhỏ bé ra khơi, ông lão quyết lập chiến công. Trải qua nhiều ngày lênh đênh trên biển cả đầy vất vả, hiểm nguy, cuối cùng ông lão đã đánh bắt được một con cá kiếm khổng lồ, buộc nó cặp mạn thuyền rồi dong vào bờ. Nhưng con cá kiếm đã bị đàn cá mập tấn công, ông lão dùng hết sức lực để chống chọi với lũ cá mập hung dữ. Khi đuổi được lũ cá mập ra xa thì con cá kiếm chỉ còn lại bộ xương, ông lão buồn bã trở về túp lều của mình, nhưng trong lòng ông vẫn chưa tắt những ước mơ tốt đẹp.
Nhà văn đã xây dựng hình ảnh con cá kiếm rất điêu luyện. Tuy tác giả không trực tiếp miêu tả hình dạng nó nhưng thông qua những lần đối mặt giữa nó với ông lão ta dần dần thấy được đôi nét về bức tranh ấy. Nó là một con cá rất lớn và đẹp. Nhà văn đã khắc họa con cá kiếm này tạo ấn tượng qua những vòng lượn tròn rất lớn “Một cái bóng đen vượt dài qua dưới con thuyền” với “Cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẳm”. Có thể thấy thân hình nó đồ sộ với những sọc dài màu tía, bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng. Con cá lớn đến nỗi trông như thể lão buộc một con thuyền khác lớn hơn nhiều vào con thuyền mình. Con cá kiếm ấy còn là một con cá khôn ngoan đầy sức mạnh. Khi đã mắc câu, con cá bắt đầu chậm rãi lượn vòng hai tiếng đồng hồ có lúc lại quật đột ngột. Khi đã mệt, nó lại lượn vòng chầm chậm. Ta thấy chỉ bằng vài câu khắc họa được hình ảnh một chú cá kiếm rất khôn ngoan có trí như một con người khiến có lúc ông lão tưởng như đã kìm được con cá nhưng nó lại lật thẳng mình từ từ bơi ra xa.
Hình tượng con cá kiếm mang tính người, nó toát lên vẻ đẹp của sự kiêu dũng hiên ngang bất khuất. Vẻ đẹp của con cá kiếm có ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp và sức mạnh của con người.
Không chỉ dùng ngòi bút sắc nét của mình mô tả cá kiếm, nhà văn còn lột tả được vẻ đẹp tự nhiên của ông lão Santiago. Ở ông toát lên một sự điêu luyện giỏi giang trong tay nghề đánh bắt cá của mình. Ông hiện lên với một thân phận kém may mắn. Nhà văn đã miêu tả ông là người già nua, cô độc kém may mắn. Ông một mình chiến đấu với cá kiếm khổng lồ với ngày nắng gắt, đêm lạnh cơn đói khát và sự cô đơn. Ông là biểu tượng cho khát vọng sống của con người. Cuộc chinh phục cá kiếm và lũ cá là minh chứng cho điều đó. Nhà văn đã để cho ông trải qua những thử thách ghê ghớm nhưng Santiago vẫn là người chiến thắng
Qua đây ta thấy được phần nổi và phần chìm của tác phẩm. Phần nổi là hành trình chinh phục cá kiếm của ông lão. Phần chìm là hình ảnh ông lão biểu tượng cho sức mạnh, trí tuệ của con người còn cá kiếm biểu tượng cho sức mạnh của thiên nhiên hùng vĩ tráng lệ. Hành trình câu cá là hành trình đi tìm cái đẹp chinh phục tự nhiên của con người cũng như là tìm ra được hoài bão biến ước mơ trở thành hiện thực.
Bằng cách viết ngắn gọn, hàm xúc, tạo mạch ngầm cho văn bản, xây dựng thành công hình ảnh biểu trưng, mang ý nghĩa biểu tượng với nhiều tầng nghĩa. Tác phẩm “Ông già và biển cả” đã để lại dư âm khó phai trong lòng độc giả.