Home / Những Bài Văn Hay / Phân tích tác phẩm Số phận con người của Sô-lô-khốp

Phân tích tác phẩm Số phận con người của Sô-lô-khốp

Đề bài: Phân tích tác phẩm Số phận con người của Sô-lô-khốp

Phân tích tác phẩm Số phận con người
Phân tích tác phẩm Số phận con người của Sô-lô-khốp

Bài làm 1:

Sô-lô-khốp là nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của văn đàn Nga. Số phận con người là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông. Qua đó ta thấy được tính cách kiên cường, tấm lòng nhân ái của người dân Nga.

Nhân vật chính trong tác phẩm Số phận con người là Xô-cô-lốp. Ông là người đã trải qua nhiều đau khổ trong chiến tranh. Từng hai lần bị thương và bị bắt giam hai năm ở trại tù binh Đức. Khi anh trở về với hồng quân Liên Xô thì phát hiện ra vợ và con gái của anh đã chết dưới bom đạn của bọn phát xít. Người con trai của anh là A-na-tô-ni trở thành đại uý pháo binh. Đúng ngày 9-5-1945 thì con trai anh bị tên thiện xạ Đức bắn chết, làm mất đi niềm hi vọng cuối cùng của Xô-cô-lốp.

Sau chiến tranh Xô-cô-lốp trở nên cô độc. Anh không còn quê nhà, không còn người thân và sống nhờ tại nhà của một người bạn. Anh có “cặp mắt buồn nguội lạnh lúc nào cũng buồn thê thảm”. Xô-cô-lốp phải tìm đến rượu để vơi bớt nỗi cô đơn thất vọng và anh suýt nữa trở thành tên nghiện rượu. Có thể thấy chiến tranh đã đem đến cho anh nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Có lẽ ông trời không tuyệt đường của ai cả nên đã cho anh gặp gỡ bé Va-ni-a và chú ý đến cậu bé. Cậu bé luôn ở gần cửa hàng giải khát mà anh hay đến nhấm nháp rượu: “Thằng bé rách bươm xơ mướp. Mặt mũi thì bê bết nước dưa hấu, lem luốc, bụi bặm, bẩn như ma lem, đầu tóc rối bù”. Có lẽ những thứ nhếch nhác ở vẻ bề ngoài không làm Xô-cô-lốp ấn tượng nhưng cặp mắt của thằng bé lại khiến anh thích nó. Đó là cặp mắt giống như “những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm”. Anh chú ý đến cậu bé và biết rằng cậu cũng có một số phận bi thảm như anh. Cha mẹ cậu bé đều chết dưới bom đạn kẻ thù, cậu lang thang không có người thân, bạ đâu ngủ đó. Chính vì giữa hai người có sự tương đồng nên anh đã quyết định nhận nuôi Va-ni-a, hành động đó còn xuất phát từ tình yêu thương chân thành, không hề toan tính. Dù anh đang phải ở nhờ nhà bạn, anh cũng không có sự khéo léo, kinh nghiệm chăm sóc trẻ con nhưng anh đã dành tình yêu và cố gắng nhất có thể để lo cho “đứa con mới” này của anh. Xô-cô-lốp đưa Va-ni-a về nhà, hai vợ chồng người bạn đều vui mừng: “Bà múc xúp bắp cải vào đĩa cho nó, rồi đứng nhìn nó ăn ngấu nghiến mà nước mắt ròng ròng. Bà đứng cạnh lò sưởi lấy tạp dề che mặt khóc”. Sự xúc động của bà chủ nhà bởi hai vợ chồng bà không có con cái, họ thương xót cho cảnh ngộ của thằng bé, của người bạn và của chính mình.

Tình yêu thương của nhân vật Xô-cô-lốp được thể hiện qua sự săn sóc đối với Va-ni-a. Dù anh còn vụng về, chưa có kinh nghiệm nhưng lại rất ân cần với thằng bé. Anh đưa Va-ni-a đi cắt tóc, tắm rửa cho cậu. Mua cho thằng bé cái quần dạ, sơ mi, đôi dép và cái mũ lưỡi trai bằng sợi. Tối hai bố con còn ngủ chung với nhau, sau bao nhiêu năm anh mới “ngủ được một giấc yên lành” dù phải thức giấc mấy lần. Cái cảm giác khi anh chợt tỉnh giấc thấy con mình “rúc vào nách như con chim sẻ dưới mái rạ, ngáy khe khẽ” anh thấy lòng mình vui đến lạ. Cuộc đời của anh sau này sẽ có Va-ni-a đồng hành, với việc anh bị tước bằng lái, hai bố con đã đến nơi khác sinh sống mà không hề buồn đau, suy sụp. Có thể thấy tình yêu thương đã khiến con người Xô-cô-lốp như được hồi sinh. Anh không còn thất vọng, ủ dột, không thấy cô đơn lạc lõng nữa mà trở nên mạnh mẽ hơn, quyết tâm bắt đầu một cuộc sống mới với đầy ước mơ và ý nghĩa.

Qua truyện ngắn Số phận con người có thể thấy được Xô-cô-lốp và Va-ni-a đều là những nạn nhân trong chiến tranh. Sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh đã khiến bao gia đình ly tán, bao người mất đi gia đình người thân. Những con người khốn khổ ấy đã nương tựa vào nhau để vượt qua khó khăn, để có thể chống chọi với những thứ đang chờ đón họ ở tương lai phía trước.

Loading...

XEM THÊM >>>> Cảm nhận về tác phẩm Số phận con người

XEM THÊM >>>> Thông điệp trong tác phẩm Số phận con người

Bài làm 2:

Sô- lô- khốp là nhà văn lớn của nước Nga, được coi là nhà văn hàng đầu của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Số phận con người là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của ông, tác phẩm đã cho thấy tính cách kiên cường và lòng nhân ái của con người Nga, nghị lực phi thường của họ để vượt qua những khó khăn.

Tác phẩm là câu chuyện về một con người bị số phận khắc nghiệt nhấn xuống chìm nghỉm đã kiên cường đứng vững bằng tình yêu thương và lòng dũng cảm, đã gieo vào lòng người đọc niềm tin, hi vọng vào con người, vào cuộc sống sau bao đau thương, mất mát trong chiến tranh. Với nghệ thuật kể chuyện giản dị, ngắn gọn mà chứa đựng một chiều sâu hiện thực và tâm lí nhân vật, truyện ngắn đã tác động mạnh mẽ, sâu xa, đầy cảm động tới trí tuệ và trái tim người đọc.

Số phận, là từ chỉ phần hoạ phúc, sướng khổ, thường là hoạ nhiều hơn phúc, dành riêng cho cuộc đời mỗi người ngoài ý muốn của họ. Chiến tranh đã tạo nên bao số phận bất hạnh, khổ đau. Chiến tranh nổ ra, Xô-cô-lốp từ biệt vợ con ra trận. Sau một năm chiến đấu và bị thương, anh bị bắt làm tù binh. Trải bao khổ cực trong tù, Xô-cô-lốp vẫn giữ vững khí phách anh hùng của người lính Xô Viết. Gặp dịp may được lái xe cho bọn Đức, anh trốn thoát, về hậu phương, anh mới biết tin vợ và hai con đã chết vì bom từ hai năm trước. Con trai lớn của anh cũng là một chiến sĩ Hồng quân, nhưng đã hi sinh đúng ngày chiến thắng trên đất Đức. Chắc chắn số phận buồn đau không chỉ lựa chọn một mình Xô-cô-lốp mà còn vùi dập bao người. Chiến tranh đã tước đoạt tất cả những gì quý giá nhất của họ: quê hương, gia đình, tình thương yêu, niềm hi vọng. Hết chiến tranh, trước mặt họ là khoảng không trống rỗng, khủng khiếp: không nhà cửa, không vợ con, không niềm hi vọng.

Trong một lần tình cờ hay do duyên trời anh gặp bé Va ni a. Bé Va-ni-a cũng là một số phận bất hạnh khác, bố mẹ em chết vì bom đạn phát-xít. Va-ni-a trở thành một đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, em sống lang thang trên đường phố, cuộc sống hết sức cơ cực “bạ đâu ngủ đấy, ai cho gì thì ăn nấy”. Cả Va-ni-a và Xô-cô-lốp đều là những nạn nhân của chiến tranh phát-xít, họ bị mất gia đình, người thân, sống cuộc đời cô đơn, trơ trọi, nếu thiếu bản lĩnh, nghị lực họ sẽ bị cuộc đời vùi dập. Số phận đau thương, bất hạnh đã khiến cho hai con người ấy gặp nhau, bằng tình yêu thương Xô-cô-lốp đã quyết định nhận bé Va-ni-a làm con. Quyết định ấy không chỉ mang lại niềm vui cho bé Va-ni-a mà còn đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho Xô-cô-lốp, sau biết bao nhiêu năm lấy rượu để quên đi, để chìm vào giấc ngủ, thì đây là lần đầu tiên sau nhiều năm anh được ngủ một cách ngon lành. Bằng tình yêu thương, hai con người bị khuyết thiếu tình yêu thương ấy đã bù đắp, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhau.

Thế rồi anh cố gắng kiếm sống để nuôi bé Va ni a. Anh vượt lên những nỗi đau, xe anh quệt nhẹ người ta mà anh bị tước bằng lái, anh mất việc nên phải đi lang bạc kiếm sống. Đã thế thể chất sức khỏe của anh cũng giảm đi trông thấy. Anh đau đến khóc thế nhưng anh vẫn cố gắng không để cho bé Va ni a biết. Trước mặt cậu anh vẫn tỏ ra bình thường. Dường như nhà văn đang nhìn anh với một ánh mắt nhân đạo, anh đã không để cho bé Va ni a phải khóc, điều đó thể hiện một sự hi sinh của người cha.

Đến đoạn cuối tác phẩm thì nhà văn như thể hiện sự đồng cảm thương xót của mình với nhân vật. Tác giả không thể nào giấu được những cảm xúc của bản thân mình trước những tình cảnh cũng như tình cảm của hai cha con mà thốt lên: “ Với nỗi buồn thấm thía, tôi nhìn theo hai bố con…” Hai người côi cút đã tìm đến nhau chia sẻ cho nhau những niềm yêu thương trong cuộc sống. Đoạn văn thể hiện sự khâm phục những tính cách con người Nga kiên cường trước những khó khăn của cuộc sống. Trong hoàn cảnh đói nghèo đau khổ nhưng vẫn trao cho nhau những tình yêu thương nhân ái để chạm tay đến hạnh phúc.

Thông qua tác phẩm ta thấy được số phận con người sau chiến tranh đau khổ như thế nào. Người lính đã trải qua những khó khăn trên chiến trường rồi tưởng rằng chiến tranh kết thúc sẽ được đoàn tụ thì người thân cũng bị chiến tranh cướp đi. Xô- cô- lốp cùng bé Va ni a chính là hiện thân của những số phận bất hạnh đó. Đồng thời qua tác phẩm này nhà văn kêu gọi mọi người nên có trách nhiệm với số phận của những con người như thế.

XEM THÊM >>>> Ý nghĩa tác phẩm Số phận con người

XEM THÊM >>>> Giá trị nội dung tác phẩm số phận con người

About adminbvh

Check Also

Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *