Đề bài: Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ trong vợ nhặt của Kim Lân
Bài làm:
Vợ nhặt là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân viết về cuộc sống ngột ngạt của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “xóm ngụ cư” được viết ngay sau cách mạng tháng tám nhưng dang dở. Sau khi hòa bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này. Với tác phẩm vợ nhặt, Kim Lân đã rất thành công trong việc đi sâu phân tích diễn biến tâm lí nhân vật, tiêu biểu là nhân vật bà cụ Tứ.
Nhân vật bà cụ Tứ được giới thiệu là một người mẹ nghèo khổ, sống cùng một đứa con trai chịu nhiều thiệt thòi, cảnh ngộ của mẹ con bà thật đáng thương nhất là trong cảnh đói năm 1945. Cái đói đã kéo đến xóm ngụ cư và vào đến tận trong nhà bà. Cái nạn đói được tác giả miêu tả, trên trời từng đàn quạ đen rỉa xác người chết đói bay lên, gào lên từng hồi tha thiết. Dưới đất bên những gốc đa gốc gạo xù xì, bóng những người đói đi lại dật dờ như những bóng ma. Không khí vẩn lên mùi ẩm mốc của rác rưởi và mùi gây của xác người, tất cả tạo nên một bầu không khí ảm đạm tang tóc và thê lương. Cái đói, cái chết len lỏi vào ngõ ngách, gõ cửa từng nhà, đụng chạm đến từng người, cõi âm hòa với cõi dương, cuộc sống mấp mét bên bờ vực của cái chết. Giữa bối cảnh tối xầm lại vì đói khát ấy thì một việc hệ trọng nhất của một đời người lại diễn ra một cách nhanh chóng vội vàng, đó là việc anh cu Tràng có vợ.
Con trai bà, anh cu Tràng được biết đến là một người xấu xí, nghèo đói, lại là dân ngụ cư, sống trong tình cảnh ấy chưa bao giờ anh nghĩ là mình sẽ lấy vợ và lấy được vợ. Nhưng, cũng trong nạn đói thảm khốc ấy câu hò của anh như xua tan mệt mỏi, mang cảm giác vui vui. Với chỉ vài ba câu nói tầm phào mà Thị sẵn sàng theo không anh về làm vợ.
Tình huống nhặt vợ của anh cu Tràng khiến cho cả xóm ngụ cư ngỡ ngàng, còn bà cụ Tứ thì vô cùng ngạc nhiên. Bà cụ ngạc nhiên vì con mình nghèo, xấu xí, dân ngụ cư lại đang thời buổi đói khát, nuôi thân chẳng xong. Tràng còn dám lấy vợ, rước thêm miệng ăn. Khi bà cụ đi làm về muộn, thấy người đàn bà ngồi ở đầu giường con mình rất ngạc nhiên, càng ngạc nhiên hơn khi được người đàn bà chào bằng u và được Tràng giới thiệu: “Kìa nhà tôi nó chào u”..”Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”. Bà ngạc nhiên đến mức không còn tin được vào mắt và tai mình : “Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn thì phải. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lẫn nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay sang nhìn còn tỏ ý không hiểu”. Khi đã hiểu ra, bà lại xót thương cho số kiếp của con trai mình, bà liên tưởng đến người chồng quá cố, đến đứa con gái đã qua đời, lòng bà trĩu nặng tủi buồn, xót xa.
Bà cụ Tứ mừng cho con từ nay yên bề gia thất, tủi thân làm mẹ không lo nổi vợ cho con. Giờ đây giữa lúc người chết đói “như ngả rạ" lại có người theo con trai bà về làm vợ. Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo cùng quẫn. Biết lấy gì để cúng tổ tiên, đế trình làng khi con đã có vợ. Bà cụ Tứ khóc vì mừng con có vợ, khóc vì thương con dâu không biết làm sao vượt qua nổi khó khăn này. Bà cụ xót xa thương con dâu, thương con trai, tủi phận mình: “bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”. Bao nhiêu lo lắng ngổn ngang trong lòng.
Trong cái mừng, cái tủi, cái lo, người đọc vẫn thấy được niềm vui của cụ. Một niềm vui tội nghiệp không sao cất cánh lên được, cứ bị cái buồn, cái lo níu kéo xuống. Nhưng bà cụ Tứ cố vui và gắng làm cho con, cho dâu vui. Bà cố nói toàn chuyện vui, nào là chuyện vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, chuyện tương lai, chuyện con cái, nhà cửa. Bà tin vào triết lí nhân sinh “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, những lời nói của bà giữa hiện thực đói khát thê thảm ấy là cách để lấn áp bóng đêm bao trùm.
Qua việc khắc họa hình ảnh nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn thật tinh tế nhận ra được nét tâm lí quen thuộc của người già. Trong bế tắc, trong đường cùng họ thường nói đến tương lai, đến những điều tốt đẹp, vì thế khi ánh đèn trong nhà bà được thắp lên thì bà cụ Tứ đã lau nước mắt, bà tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai sẽ đên với con trai bà, gia đình bà và cả xóm ngụ cư.
Nhân vật bà cụ Tứ đã đem đến một luồng gió mới cho tác phẩm, khi nhắc đến bà người đọc sẽ không thể quên một người mẹ ân cần, chu đáo, luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp cho con mình, một người luôn hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn sẽ đến ở một tương lai không xa.