Đề bài: Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Bài làm:
Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những sáng tác tiêu biểu của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ được sáng tác năm 1939 khi ông đang nằm dưỡng bệnh phong tại Quy Nhơn. Tác phẩm thành công trong việc khắc hoạ vẻ đẹp thiên nhiên xứ Huế. Đồng thời tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài Đây thôn Vĩ Dạ cũng được lồng ghép bày tỏ một cách tinh tế.
Trước tiên, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là lời hồi đáp tinh tế của nhà thơ dành cho lời thăm hỏi của cô gái ở thôn Vĩ. Biết rằng khi đang dưỡng bệnh, ông có nhận một bưu thiếp vẽ cảnh đẹp xứ Huế đến từ cô gái mà ông từng yêu mến để hỏi thăm và chúc ông khỏi bệnh. Nhìn bức tranh ấy với niềm hồi tưởng về quá khứ có một thời gian ông từng sống và học tập tại Huế đã khiến ông có nguồn cảm hứng để viết nên bài thơ này. Mỗi khổ thơ là mỗi niềm tâm tư, tình cảm được ông gửi gắm đan xen với việc khắc họa bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ.
Xem thêm >>> Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Xem thêm >>> Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ
Ngay mở đầu bài thơ, Hàn Mặc Tử đã sử dụng câu hỏi tu từ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Nó giống như một câu hỏi, một sự trách móc của cô gái Huế dành cho nhà thơ khi lâu không thấy ông về chơi. Nhà thơ không sử dụng từ “thăm” mà từ “chơi” gợi cảm giác gần gũi, thân tình giữa hai người. Nhưng đồng thời câu thơ còn giống như lời tự trách bản thân. Tại sao thôn Vĩ đẹp vậy mà không về? Thực ra không phải người thi sĩ không muốn về bởi ông đang trong giai đoạn cuối của cơn bạo bệnh. Trở về Huế vừa là niềm khắc khoải, mong mỏi nhưng lại là nuối tiếc bởi ông không thể về chơi được nữa. Tất cả những gì về thôn Vĩ, về xứ Huế giờ đây chỉ còn trong tâm tưởng, hồi ức mà ông có thể nhớ về. Lúc này đây ta có thể cảm nhận được trong lòng thi sĩ, quá khứ đang sống dậy qua niềm nhớ nhung da diết. Đó chính là cảm xúc chủ đạo trong khổ thơ đầu của bài thơ.
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Khung cảnh tươi vui, tràn đầy sức sống của khu vườn đã khép lại và màu sắc trầm buồn nhuốm lên màu cảnh vật. Có lẽ do tâm trạng của nhân vật trữ tình đã khiến cảnh vật được phủ lên màu sắc ấy. Mây và gió thường đi với nhau nhưng dường như đang phải chịu sự chia ly. Bởi có lẽ thi sĩ hiểu sâu sắc hoàn cảnh của bản thân rằng chẳng bao lâu nữa ông cũng rời xa trần thế này. Cảnh vật bị chi phối bởi tâm trạng của con người: mây bay đi, gió cũng đi và dòng nước cũng lững lờ trôi buồn thiu. Hình ảnh dòng nước buồn thiu như ám ảnh tâm tưởng người đọc. Nó giống như dòng cảm xúc, tâm trạng buồn lê thê, cứ kéo dài mãi như dòng nước không biết nơi đâu là bến bờ. Những bông bắp dường như chính là cuộc đời của Hàn Mặc Tử, đó là một cuộc đời côi cút, cô đơn. Có lẽ không tìm thấy lời hồi đáp nhà thơ đã tìm tới ánh trăng để bầu bạn, gửi gắm nỗi buồn. “Thuyền ai” hay thuyền em là hình ảnh vừa thân quen nhưng lại vừa xa lạ. Không biết có kịp trở người thi sĩ tới nơi mà ông khao khát được đặt chân đến một lần nữa không.
Khổ thơ cuối dường như hình ảnh người thiếu nữ vừa thoắt ẩn, thoắt hiện trong bài thơ cũng như trong tâm trí của nhà thơ:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Khách đường xa này có phải là người nhà thơ mong chờ hay không. Hay chỉ xuất hiện trong giấc mơ, trong mộng ảo, trong hoài niệm xa vắng. Có lẽ chỉ trong giấc mơ mới khiến màu trắng trở nên tinh khôi, loá mắt, không xác định được đâu là thực, đâu là ảo. Cộng thêm giữa làn sương khói cho ta thêm phần khẳng định đó là mộng ảo. Có lẽ vì thế mà cuối bài thơ Hàn Mặc Tử mới thốt lên niềm trăn trở rằng: “Ai biết tình ai có đậm đà?”
Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ không chỉ là bức tranh về miền quê xứ Huế mà đằng sau nó còn là một hồn thơ đầy thơ mộng, giàu trí tưởng tượng của Hàn Mặc Tử. Ông quả thực là một nhà thơ đa sầu, đa cảm, mang theo nỗi buồn trần thế. Qua bài thơ người đọc càng thêm thương xót cho số phận ngắn ngủi, bất hạnh của người thi sĩ.