Đề bài: Phật dạy: “Giọt nước chỉ hòa vào giữa biển cả mới không cạn mà thôi”.
Anh(chị) suy nghĩ gì về lời dạy trên? Hãy bày tỏ ý kiến của mình về vai trò của cá nhân và tập thể.
Bài làm:
Để thành công trong cuộc sống cần rất nhiều phẩm chất khác nhau, một trong số đó không thể không kể đến tinh thần đoàn kết, hay nói cách khác chính là vai trò tác động qua lại lẫn nhau giữa cá nhân và tập thể trong môi trường xã hội. Cùng quan điểm này, Phật có một câu răn dạy rất thấm thía: “Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi”.
Phật đã lấy cái nhỏ bé là hình ảnh “giọt nước” để chỉ cái lớn lao vĩ đại là “biển cả”. Xét về nghĩa đen, đây đúng là một chân lý của tự nhiên, giọt nước chỉ có thể tồn tại giữa đại dương mênh mông lớn rộng, giọt nước mà tách ra sẽ nhanh chóng bị khô cạn. Còn đại dương tuy bao la là thế nhưng cũng được tạo nên từ trăm nghìn giọt nước tí hon. Mượn hai hình ảnh của tự nhiên, Phật muốn ẩn ý về một lẽ sống trên đời: Con người chỉ tồn tại trong cộng đồng, cá nhân chỉ có sức mạnh khi hòa nhập với tập thể mà thôi. Lời dạy của Phật tuy ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa thật sâu sắc, đủ để ta phải ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm.
Đúng vậy, cá nhân và tập thể đều có vai trò rất sâu sắc và tác động qua lại mật thiết với nhau. Trước hết, vai trò của cá nhân là gì? Cá nhân là những con người cụ thể tồn tại và hoạt động không chỉ là một thực thể tự nhiên mà còn là thực thể xã hội, có những quan hệ xã hội ràng buộc đa dạng. Trong những hoạt động của mình, cá nhân trực tiếp sáng tạo nên các giá trị vật chất cũng như tinh thần, làm phong phú cho cuộc sống. Những cá nhân kiệt xuất có khả năng sáng tạo ra những giá trị bền vững, to lớn, để lại thành tựu cho xã hội. Thậm chí bằng khả năng đặc biệt, cá nhân có thể nhận thức được quy luật phát triển của lịch sử, vạch đường cho hoạt động thực tiễn mới trong tương lai. Khi cá nhân tỏa sáng giá trị độc lập cũng chính là tỏa sáng trong môi trường và trong những mối quan hệ với tập thể.
Vậy vai trò của tập thể là gì? Tập thể là khối đoàn kết, thống nhất, tập hợp của những cá nhân trong xã hội. Tập thể lưu giữ và phát triển những giá trị sáng tạo của cá nhân, tạo môi trường cho cá nhân hoạt động và bộc lộ khả năng. Tập thể còn là nơi các cá nhân được tập hợp lại, liên kết thống nhất trong một mục tiêu chung. Khi ấy, chính tập thể sẽ có đủ sức mạnh làm nên những biến đổi trong lịch sử, thúc đẩy sự phát triển chung của các cá nhân.
Từ đây ta rút ra mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể là mối quan hệ khăng khít, hai chiều. Thật vậy, tập thể chỉ mạnh khi tổng hợp được đa dạng các cá nhân. Mỗi con người có điểm mạnh yếu khác nhau, càng nhiều suy nghĩ ý tưởng của cá nhân, càng tạo nên một tập thể trường tồn và giải quyết vấn đề dễ dàng hơn. “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Hay câu chuyện về bó đũa cũng là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của tập thể. Một chiếc đũa lẻ loi mỏng manh có thể dễ dàng bị bẻ gãy, nhưng một bó đũa lại trở thành thách thức khó nhằn bởi sức mạnh đã được nhân gấp bội. Ngược lại, cá nhân cũng chỉ phát huy được khả năng của mình khi tồn tại trong một tập thể. Không ai có thể một mình vẽ lên cuộc đời, cuộc sống luôn đặt ta trong mối quan hệ với cả cộng đồng lớn rộng. Nếu chỉ một mình một suy nghĩ, một lối sống tách biệt thì không đủ sức chống lại khó khăn, thử thách trên đời. Ai cũng cần hòa nhập trong tập thể, trong những mối quan hệ xã hội của chính mình thì mới bộc lộ được điểm mạnh và được khẳng định bản thân.
Hiểu rộng ra, vai trò của cá nhân và tập thể chính là biểu hiện của tinh thần đoàn kết. Chính nhờ đoàn kết mà con người vượt qua được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Cũng chính đoàn kết làm nên vẻ đẹp truyền thống của con người Việt Nam ta. Biết bao cuộc kháng chiến của dân tộc ta thắng lợi vẻ vang là bởi sức mạnh của cả dân tộc, cộng đồng, trong đó mọi cá nhân đều góp mặt bằng sức mạnh riêng, khả năng riêng. Người ta không phân biệt già, trẻ, gái, trai, tất cả đều “nồng nàn một lòng yêu nước” và quyết tâm vùng lên đánh giặc.
Đoàn kết đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt thời gian của dân tộc ta. Những con người hiện đại ngày nay cần tiếp tục phát huy tinh thần này, phát huy sức mạnh của cá nhân và tập thể trong đời sống xã hội.