Đề bài: Sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ Chồng A Phủ
Bài làm:
Tô Hoài là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam đương đại. Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của ông. Tác giả đã xây dựng được một số nhân vật để lại ấn tượng thẩm mĩ trong lòng người đọc tiêu biểu đó là Mị, một cô gái bị áp bức, bóc lột nhưng luôn có một sức sống tiềm tàng.
Cuộc đời tăm tối của Mị được tính từ khi cô về làm dâu nhà thống lí Pá Tra. Thường thì, khi con gái lấy chồng giàu thì sướng, nhàn hạ. Nhưng đây, Mị chỉ lùi lũi một mình, câm lặng. Xưa kia, Mị cũng có một thời con gái hạnh phúc. Những đêm tình mùa xuân, con trai đến thổi sáo đứng trật cả chân vách đầu buồng Mị. Và Mị đã có một tình yêu, tâm hồn cô gái xinh đẹp và tài hoa ấy luôn luôn mở rộng để đón nhận mọi hương hoa của cuộc đời. Nhưng rồi tất cả đều chấm dứt trong cái đêm Mị bị bắt cóc về nhà thống lí Pá Tra, sáng hôm sau Mị mới biết là mình bị bắt cóc về nhà thống lí Pá Tra. Họ nhốt Mị vào buồng. Ngoài vách kia, tiếng nhạc sinh tiền cúng ma đương rập rờn nhảy múa. Mị bị bắt cóc là trả nợ cho cái món nợ hôn nhân từ đời cha mẹ mình.
Trước khi về cửa nhà Thống lí Mị đẹp như một bông hoa rừng. Cô là một phụ nữ trẻ, đẹp, chăm chỉ công việc, giàu lòng hiếu thảo. Người con gái ấy là niềm khát khao, ước mơ của bao nhiêu chàng trai. “Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”, Mị chưa kịp nếm những trái ngọt của cuộc đời đã phải cay đắng tìm đến nắm lá ngón, mong kết liễu đời mình. Bởi vì Mị không muốn chấp nhận một cuộc sống chết mòn, héo úa. Điều này chứng tỏ con người Mị tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt, muốn thoát khỏi cuộc sống nô lệ. Nhưng vì thương cha, vì lòng hiếu thảo, Mị không đành lòng chết nên vứt nắm lá ngón, trở lại nhà thống lí. Sống trong nhà thống lí, ách áp bức của giai cấp thống trị, thần quyền, sự mê tín đã biến Mị trở thành con người hoàn toàn khác “ở lâu trong cái khổ, Mị quen rồi”. Dường như giữa Mị với cuộc sống bên ngoài chỉ còn thu hẹp của “căn buồng âm u, kín mít, có một chiếc cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào chông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng”.
Vào mùa xuân, “ngoài núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha, bồi hồi”. Tiếng sáo ấy đã khơi dậy sức sống tiềm tàng như đã nguội tắt trong Mị. Mị còn nhớ như in những lời bài hát mà Mị đã nghe, đã hát, đã thổi sáo. Bây giờ Mị đang sống lại cảnh tượng ngày xưa. Ngày tết Mị cũng uống rượu, khát khao được đi chơi tết, nhưng khát khao đó lại bị A Sử vùi dập. Mị bị A Sử trói nhưng Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi, tiếng sáo lúc này có thể không là tiếng sáo thực nhưng âm thanh của tiếng sáo đã làm cho tâm hồn Mị hân hoan cùng tuổi xuân, tuổi trẻ và hạnh phúc.
A Phủ vì đánh con quan nên trở thành người ở gạt nợ của gia đình nhà thống lí. A Phủ và Mị cùng một cảnh ngộ, cùng là người đi ở gạt nợ cho nhà thống lí. Trong cái đêm A Phủ bị trói đứng vào cây cọc gỗ trong nhà thống lí vì tội để mất bò, A Phủ bị trói đã mấy đêm rồi nhưng đêm nào cũng vậy, Mị dậy đốt lửa sưởi và thản nhiên như không có gì bên cạnh. Mỗi đêm, đêm nào cũng vậy khi ngọn lửa bùng lên, Mị biết A Phủ còn sống nhưng Mị không nói năng gì. Khi dòng nước mắt của A Phủ rơi xuống, dòng nước mắt ấy đã trôi dậy trong Mị tình thương những người cùng cảnh ngộ. Mị chợt nhớ lại cuộc đơi mình, cũng như lần trước một khi ý thức sống trỗi dậy thì Mị lại nghĩ đến cái chết. Sau cái ý nghĩ ấy lòng thương người lớn hơn nỗi thương thân, Mị đã cam chịu chết thì cô sợ gì mà không cứu A Phủ. Vẫn biết rằng Mị không sợ hình phạt của thống lí, nhưng thấy A Phủ đã chạy đi rồi, chạy đến một cuộc sống tự do thì Mị ừng tỉnh hẳn. Mị không muốn chết nữa mà Mị muốn sống, phải sống. Mị chạy theo A Phủ.
Hành động chạy theo A Phủ là một hành động thật bất ngờ. Lần này thì sức sống mãnh liệt của Mị đã chiến thắng, Mị xin A Phủ cho đi theo, và lời xin ấy cũng chính là ngọn lửa lâu ngày âm ỉ đã được bùng cháy.
Với Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật. Khi đọc tác phẩm này, người đọc sẽ nhớ đến một cô Mị càng bị đau khổ, đọa đầy thì càng khao khát muốn vươn lên. Một cô Mị luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt.