Đề bài: Tóm tắt tác phẩm Rừng xà nu Nguyễn Trung Thành
Bài làm:
Rừng xà nu, truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Trung Thành và của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Tác phẩm nói về hình ảnh rừng xà nu và những con người Tây Nguyên anh dũng , bất khuất trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mĩ.
Tác phẩm mở đầu bằng hình ảnh rừng xà nu quanh làng Xô Man của người Strá. Một rừng xà nu bất chấp đạn bom, vượt lên sự hủy diệt tàn bạo của kẻ thù để tiếp nhận ánh nắng mặt trời duy trì sự sống của mình, rừng xà nu tràn trề sức sống cho dù đại bác của bọn giặc “đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng vào xẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy” dồn dập nã chết chóc đau thương vào nó.
Tác giả tập trung miêu tả sự trưởng thành một thế hệ tiếp nối, phát huy truyền thống anh hùng của cha ông và qua đó nhà văn cũng phản ánh sự trưởng thành của nhân dân Tây Nguyên trong đấu tranh một mất một còn với kẻ thù mới là đế quốc Mĩ. Tiêu biểu cho thế hệ thanh niên đó là Tnú và Dít. Sự trưởng thành của họ gắn liền với cuộc đấu tranh của nhân dân Strá làng Xô Man.
Cùng thế hệ của T-nú còn có Dít, cô bí thư chi bộ xã kiêm chính trị viên xã đội làng Xô Man. Dít là một đứa bé lanh lợi, rất gan dạ. T-nú và Dít tiêu biểu cho thế hệ thanh niên làng Xô Man, từ lòng căm thù của họ đến với cuộc chiến đấu của dân tộc và chính trong cuộc chiến đấu đó, họ trưởng thành. Và không chỉ có lớp người như T-nú, lớp sau T-nú như bé Heng, cũng lớn lên, lớn lên cùng với cuộc chiến đấu ác liệt của làng Xô Man.
Từ nhỏ, T-nú đã mồ côi bố mẹ, anh lớn lên trong sự đùm bọc của dân làng XôMan. Còn bé, T-nú và Mai đã góp phần tích cực trong việc nuôi giấu cán bộ Đảng- anh Quyết. Anh Quyết dạy T-nú học chữ. T-nú học hay quên nhưng đi rừng làm liên lạc thì sáng lạ lùng. Một lần T-nú vượt thác Đắc Năng thì bị giặc bắt , bị tra tấn, bị giam vào ngục. T-nú vượt ngục trở về làng. Anh Quyết đã hi sinh. Thực hiện lời dặn dò của anh Quyết trước lúc mất, T-nú lãnh đạo thanh niên trong làng mài giáo chuẩn bị chiến đấu. Nghe tin đó, thằng Dục dẫn một tiểu đội đến vây ráp làng. Quyết bắt cho bằng được T-nú, bọn giặc đã tra tấn mẹ con Mai đến chết. Tay không ra cứu vợ con, T-nú bị giặc bắt, bị đốt mười đầu ngón tay bằng nhựa xà nu nhưng anh nghiến răng không thèm kêu van. Trước sự tàn bạo của giặc, cụ Mết đã cùng thanh niên trong làng với rựa, mác xông ra tiêu diệt bọn giặc. Sau đó, Tnú đi “lực lượng”.
Sau khi 3 năm đi “lực lượng”, T-nú về thăm làng và Bé Heng gặp được anh ở con nước lớn đã dẫn anh về. Vẫn Con đường cũ ấy, hai cái dốc ấy, rừng lách chằng chịt hố chông, hầm chông và giàn thò sắc lạnh. Trên đường dẫn T-nú về làng, bé Heng kể lại những đổi thay sau khi T-nú đi vắng. Tnú chợt nhớ đến những kỉ niệm về Mai, người vợ đã bị giặc giết hại. Về đến làng, anh được mọi người đón tiếp nồng nhiệt. Trong đêm mừng T-nú trở về, bên bếp lửa nhà rông, cụ Mết- già làng- đã kể lại chuyện cuộc đời T-nú cho dân làng nghe. Cụ Mết ngừng kể, rồi hỏi T-nú đã giết được mấy thằng Diệm, mấy thằng Mĩ rồi? Anh kể chuyện đánh đồn, xông xuống hầm ngầm dùng tay bóp chết thằng chỉ huy, thằng Dục, “đúng chớ… chúng nó đứa nào cũng là thằng Dục!”. Và mưa rơi càng nặng hạt. Không ai nhận thấy đêm đã khuya cả, sáng hôm sau cụ Mết và Dít tiễn đã T-nú lên đường. Ba người đứng nhìn những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.
Rừng xà nu đã để lại một ấn tượng trong lòng người đọc, một tác phẩm tái hiện lại sự đấu tranh kiên cường của người dân làng Xô man trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mĩ, hình ảnh rừng xà nu luôn đầy sự sống vươn lên giữa mưa bom bão đạn tiêu biểu cho sức sống mãnh liệt của dân làng.