Đề bài: Tóm tắt truyện hồn trương ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

Bài làm:
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ, đã công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Tác phẩm được viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới ra mắt công chúng. Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc.
Vở kịch được tác giả sáng tác theo hướng khai thác cốt truyện dân gian để gửi gắm những suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, kết hợp phê phán một số tiêu cực trong lối sống hiện thời. Đoạn trích trong sách giáo khoa là một phần của cảnh 7, cảnh cuối cùng của vở kịch.
Tác phẩm xoay quanh một tình huống kịch khá đặc biệt, do sự vô tâm và tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu (hai vị quan trên thiên đình) mà Trương Ba, một người làm vườn tốt bụng, hiền lành, khỏe mạnh, giỏi đánh cờ bỗng dưng bị chết đột ngột. Vì thương quí Trương Ba mà tiên cờ Đế Thích đã hóa phép cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới chết. Từ đó Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái, rắc rối: lí trưởng xách nhiễu, con trai hư hỏng, vợ đòi bỏ đi, cháu gái không nhận ông. Còn tính nết Trương Ba thay đổi, trở nên phũ phàng, thô lỗ, bị mọi người xa lánh. Cuối cùng Trương Ba chọn cái chết, không nhập vào xác ai nữa. Đây là cách ông thấy mình được sống toàn vẹn bên cạnh những người thân yêu.
“Hồn Trương Ba da hàng thịt” là vở kịch được Lưu Quang Vũ cải biến từ cốt truyện dân gian, có điều cốt truyện dân gian có hậu. Trương Ba được quan xét cho về cùng vợ và được đoàn tụ cùng gia đình. Còn kịch của Lưu Quang Vũ lại xoáy vào nội tại của nhân vật: bi kịch sống vay mượn, sống lệ thuộc vào người khác. Đó là cách mà Lưu Quang Vũ đã thể hiện với nhân vật hồn Trương Ba. Trọng tâm vở kịch của Lưu Quang Vũ bắt đầu từ chỗ cốt truyện dân gian kết thúc, Trương Ba được sống lại nhưng không hề hạnh phúc mà bị sức mạnh của xác phàm đầy bản năng làm nhiễm độc khiến ông không còn là Trương Ba của ngày xưa, gia đình trao đảo có nguy cơ đổ vỡ. Khi ở trong thân xác hàng thịt, Trương Ba dần bị tiêm nhiễm một số thói hư tật xấu và bắt đầu có những nhu cầu mà trước đây nó vốn xa lạ với ông. Nhất là chị hàng thịt cứ đòi lại chồng, luôn yêu cầu ông phải làm người đàn ông thực sự của chị. Tên lý trưởng cũng nhân đấy mà sách nhiễu vòi tiền ông. Gia đình ông trở nên xào xáo, người con trai Trương Ba ngày càng lấn át, không coi bố ra gì. Vợ và con dâu, cháu nội ông thì không thể nào chịu nổi cảnh này nên dần dần tránh xa ông. Trương Ba đau khổ khi sống trong tình trạng bên trong một đằng bên ngoài một nẻo. Cuối cùng ông không nhập vào xác ai cả, kể cả xác của cu Tị. Hồn ông nhập vào cây trái trong vườn để mãi mãi bất tử. Xung đột kịch này được tác giả thể hiện thành công xuất sắc trong cảnh bảy và ở đoạn kết của các màn đối thoại. Các lớp đối thoại ấy cho thấy xung đột kịch càng về sau càng đẩy lên cao trào. Cách cởi nút của Lưu Quang Vũ về bi kịch của hồn Trương Ba với một chất thơ rất đẹp và sâu lắng.
Vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” gửi gắm đến người đọc một thông điệp. Cuộc sống và được sống làm người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống toàn vẹn, hài hòa giữa thể xác và tâm hồn còn quý giá hơn. Mặt khác con người luôn luôn phải đấu tranh với nghịch cảnh chống lại sự tầm thường, dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị cao quý. Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi được là chính mình.
“Hồn Trương Ba da hàng thịt” mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, nội dung truyện đề cao giá trị con người, về sự hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác. Lưu Quang Vũ muốn đưa đến một thông điệp cuộc sống con người quý giá nhất khi được sống đúng là mình, với những giá trị mình muốn, mình theo đuổi. Và con người cần phải đấu tranh trước chính bản thân mình để ngày càng hoàn thiện hơn nhân cách, vươn tới các giá trị cao quý.