Home / Những Bài Văn Hay / Vai trò của nhân vật thị trong Vợ nhặt của Kim Lân

Vai trò của nhân vật thị trong Vợ nhặt của Kim Lân

Đề bài: Vai trò của nhân vật thị trong Vợ nhặt của Kim Lân

Vai trò của nhân vật thị trong Vợ nhặt

Bài làm

Vợ nhặt là một truyện ngắn của nhà văn Kim Lân viết về hình ảnh người nông dân trong nạn đói năm 1945. Nhắc đến tác phẩm, người đọc ắt hẳn sẽ không quên người vợ của Tràng, một người phụ nữ không tên tuổi, quê quán nhưng luôn cố gắng vượt qua cuộc sống nghèo đói, vượt qua số phận. Người vợ nhặt này có một vai trò quan trọng tạo nên sự thành công của cả tác phẩm.

Nhân vật Thị được giới thiệu là một người không tên tuổi, không quê quán họ hàng, xuất hiện giữa chợ tỉnh. Quần áo rách như tổ đỉa, gầy sọp, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Không có việc làm cụ thể, cuộc sống bấp bênh, cái đói đã hành hạ và đẩy chị đến bờ vực của cái chết.

Trong cái nạn đói thảm khốc năm Ất Dậu 1945, nhân vật vợ Tràng được miêu tả bằng những nét ám ảnh, xót thương, có vai trò tô đậm tư tưởng nhân đạo của tác phẩm. Trận đói đang diễn ra vô cùng khủng khiếp. Người chết đói như ngả rạ. Quạ bay vù lên như những đám mây đen trên nền trời. Đoàn người chạy đói từ những vùng Nam Định, Thái Bình đội chiếu lũ lượt như những bóng ma xanh xám, nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Mùi gây của xác người. Thị cũng chạy đói "ngồi vêu ra" cùng mấy chị con gái nơi cửa nhà kho. Không họ tên, không rõ quê quán, tuổi tác. Chắc cha mẹ, anh chị em đã chết đói cả rồi ? Cái đói đã cướp đi của Thị tất cả.

Khi mới gặp Tràng, Thị là người đanh đá, táo bạo tới mức trở nên trơ trẽn. Nghe anh chàng phu xe hò một câu cho đỡ nhọc

Muốn ăn cơm trắng mấy giò này

Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì!

Thị đã cong cớn bám lấy rồi vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng

Lần sau, Thị gặp lại Tràng thì đã thay đổi hẳn, áo quần rách tả tơi như tổ đỉa. Thị gầy sọp đi. Khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt, thấy có miếng ăn, hai con mắt của Thị tức thì sáng lên rồi ngồi sà xuống ăn như chết đói. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong, thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng mà khen ngon. Phải chăng đấy là tính cách vốn có của người đàn bà này? Không, từ đầu đến lúc theo Tràng về nhà, người phụ nữ ấy hành động hoàn toàn theo bản năng của mình. Thị làm tất cả chỉ để có được miếng ăn.

Loading...

Về làm dâu, Thị mang một tâm trạng ngại ngùng của một nàng dâu mới, buồn tủi cho gia cảnh nhà chồng “Thị lẳng lặng theo hắn vào trong nhà, cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn với những búi cỏ dại. Thị đảo mắt nhìn xung quanh cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài…” Thị buồn và thất vọng, lo lắng khi thấy gia cảnh nghèo khó của Tràng, vì khi theo Tràng chị muốn trốn chạy cái đói nhưng cái đói không chừa một ai. Chỉ qua một ngày một đêm, sau khi đã thành vợ của Tràng, thành "nàng dâu mới" của bà cụ Tứ, ta thấy nhân vật này có những biểu hiện, những tình cảm tốt đẹp như bao người phụ nữ khác. Dù kề bên cái chết, cô gái này vẫn khao khát hạnh phúc, muốn được sống trong mái ấm gia đình, một mái ấm tình thương, có chồng con như những người đàn bà may mắn khác. Ngòi bút hóm hỉnh của Kim Lân thể hiện bao trân trọng trước niềm vui hạnh phúc và sự đổi đời của vợ chồng Tràng.

Thị đã đem sinh khí, thông tin mới mẻ về thời cuộc cho mẹ con Tràng. Nghe tiếng trống thúc thuế, Thị nói với mẹ chồng và chồng: "Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy". Qua đó, ta cảm thấy nhân vật vợ Tràng, "nàng dâu mới" cũng là người truyền tin cách mạng.

Nhân vật vợ Tràng trong truyện "Vợ nhặt" là một nhân chứng tố cáo, lên án tội ác của Nhật – Pháp gây ra nạn đói năm 1945 làm hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Nạn đói do chúng gây ra khủng khiếp đã hạ thấp nhân phẩm con người, cướp đi mọi giá trị của con người, biến người con gái như một thứ đồ rẻ rúng có thể "nhặt" được.

Thông qua nhân vật người vợ nhặt, Kim Lân đã cho người đọc thấy được sự khao khát được sống ấm no hạnh phúc của những người nông dân nghèo khổ khi lâm vào bước đường cùng. Nhân vật Thị đã có vai trò thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác phẩm.

XEM THÊM >>> Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ trong vợ nhặt

XEM THÊM >>> Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ nhặt

XEM THÊM >>> Tình huống nhặt vợ của Tràng

XEM THÊM >>> Kể lại truyện Vợ nhặt

XEM THÊM >>> Phân tích tác phẩm Vợ nhặt

About adminbvh

Check Also

Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *