Home / Văn Mẫu Lớp 12 / Ý nghĩa nguyên lý tảng băng trôi trong tác phẩm Ông già và biến cả

Ý nghĩa nguyên lý tảng băng trôi trong tác phẩm Ông già và biến cả

Đề bài: Ý nghĩa nguyên lý tảng băng trôi trong tác phẩm “Ông già và biến cả”

Ý nghĩa nguyên lý tảng băng trôi
Ý nghĩa nguyên lý tảng băng trôi trong tác phẩm “Ông già và biến cả”

Bài làm 1:

Con người từ xa xưa đã luôn có khát vọng chinh phục thiên nhiên và đây cũng là đề tài được nhiều người tìm tòi, sáng tạo. Hê-minh-uê chính là một trong những nhà văn dành tâm huyết cho đề tài này với mục tiêu bảo vệ quan điểm mà ông đã khai sinh: nghệ thuật là một tảng băng trôi.

Nguyên lí tảng băng trôi trong nghệ thuật được dựa trên cơ sở của hiện tượng vật lí. Những tảng băng trôi trên đại dương chỉ có một phần nổi, bảy phần còn lại chìm dưới mặt nước. Hê-minh-uê đã từng nói: “Nếu một người viết biết đủ về những gì anh ta viết, anh ta có thể bỏ qua những điều anh ta biết và người đọc, nếu người viết thực sự viết đủ, sẽ có cảm giác về những điều đó mạnh mẽ như thể nhà văn đã viết nó ra. Vẻ trang nghiêm của một tảng băng là do chỉ một phần tám của nó ở trên mặt nước. Nhưng một nhà văn bỏ qua những điều mà anh ta không biết thì lại chỉ tạo ra những chỗ trống trong bài viết của anh ta”. Trong nghệ thuật, phần chìm chính là phẩn để người đọc có thể thoải mái suy luận và rút ra tuỳ theo thể nghiệm và cảm hứng trước hình tượng nghệ thuật. Nguyên lí tảng băng trôi truyện Ông già và biển cả được thể hiện trong hai hình tượng mà Hê-minh-uê xây dựng đó là hình ảnh ông già và con cá kiếm.

Hình ảnh ông già tuy đã lớn tuổi nhưng lại rất kiên cường, dũng mãnh, tài trí trong cuộc chiến với con cá lớn. Trước thiên nhiên hùng vĩ, to lớn, ông già tuy nhỏ bé nhưng lại quật cường và không hề tỏ ra yếu thế, lui bước. Hình ảnh một ông già đơn độc săn đuổi con cá kiếm to lớn ngoài sự tưởng tượng của ông chính là biểu tượng cho khát vọng chinh phục, những khó khăn gian khổ để đi đến thành công. Ông chính là biểu tượng cho con người luôn đặt niềm tin vào bản thân, kiên cường vượt qua khó khăn. Trong cuộc rượt đuổi, trước một đối thủ mạnh, ông đã luôn cố gắng, tự nhắc nhở, cổ vũ bản thân: “Hãy bình tĩnh và giữ sức, ông già ạ”; “Đầu ơi, hãy tỉnh táo”; “Hãy giữ đầu óc mình tỉnh táo”. Những lời động viên được thể hiện dưới dạng độc thoại và độc thoại nội tâm được đan xen vào xuyên suốt trận vật lộn với con cá kiếm. Thế mới thấy sự quyết tâm của Xan-ti-a-gô lớn đến nhường nào.

Trong cuộc chiến không cân sức của ông già với con cá đã làm nổi bật lên những phẩm chất tốt đẹp của con người. Một người lành nghề, có kinh nghiệm đi săn nên ông đã có những phán đoán chính xác. Hành động ném lao dứt khoát của ông đã hạ gục con cá dù khi đó ông đã rất mệt mỏi, choáng váng có thể đổ gục xuống bất cứ lúc nào. Chính sức mạnh tinh thần đã khiến ông gượng dậy chiến đấu. Dù đã chiến thắng nhưng ông vẫn rất tôn trọng đối thủ, ông cảm thấy thương xót và coi nó như người anh em. Từ mối quan hệ đó ta thấy được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, đó là mối quan hệ anh em dù có lúc xung đột với nhau. Bài học đưa ra đó là con người có thể chinh phục thiên nhiên nhưng cũng phải yêu mến và sống hoà thuận với thiên nhiên. Trong mối quan hệ đối thủ của nhau thì cần phải tôn trọng đối thủ, thừa nhận cái tốt đẹp của đối thủ.

Hình ảnh con cá kiếm với vẻ đẹp lộng lẫy, vóc dáng to lớn hùng vĩ không chỉ đơn thuần là một con cá lớn mà nó là hình ảnh biểu tượng cho sức mạnh của thiên nhiên. Tác giả tôn vinh sự lớn lao, tinh khôn của con cá cũng đồng thời để tôn vinh tầm vóc của con người. Theo nguyên lí tảng băng trôi thì con cá kiếm không chỉ có một ý nghĩa biểu tượng như vậy mà còn có nhiều ý nghĩa khác. Con cá kiếm trong cuộc sống sẽ giống như những khó khăn, thử thách mà con người chúng ta cần phải cố gắng vượt qua. Còn dưới góc độ nghệ thuật thì con cá kiếm chính là ước mơ và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ.

Từ những phân tích trên có thể thấy truyện Ông già và biển cả đúng thật là minh chứng rõ ràng của nguyên lí tảng băng trôi. Tác phẩm với ngôn ngữ giản dị nhưng lại có tính biểu tượng cao. Qua đó đem lại cho người đọc nhiều bài học và sự suy nghĩ về con người trong cuộc sống.

Loading...

XEM THÊM >>>> Phân tích nghệ thuật ông già và biển cả

XEM THÊM >>>> Phân tích hình tượng Ông già trong Ông già và biển cả

Bài làm 2:

Hê-minh-uê là nhà văn hiện thực hàng đầu của văn học Mĩ thời kì hiện đại. Năm 1954, ông được trao giải Nô-ben vềvăn học do những đóng góp lớn trong việc đổi mới văn xuôi hiện đại cũng như việc thể hiện niềm tin bất diệt vào ý chí, nghị lực và lương tri con người. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Hê-minh-uê ra đời năm 1952, “Ông già và biển cả” được sáng tác theo nguyên lí “tảng băng trôi”.

Nguyên lý tảng băng trôi là một phương pháp viết văn dựa trên hình ảnh tảng băng trôi (bảy phần chìm và một phần nổi) để miêu tả nhưng tình huống, tư tưởng tác phẩm chỉ đề cập đến một phần hiện thực nổi bật, còn bảy phần ý nghĩa còn lại sẽ để cho độc giả tự tìm hiểu, suy nghĩ và sáng tạo theo sở thích, cá tính của mỗi người thông qua những nội dung nhân vật và câu truyện mà tác giả đã xây dựng nên.

Dưới vẻ trần trụi, thô sơ, rõ ràng bên ngoài, tác phẩm của Hê-minh-uê ẩn giấu những tầng sâu kín, đa nghĩa và đầy chất thơ. Thoạt nhìn , ngôn từ ở đây thường rất ngắn gọn và đơn giản, điều này đặc biệt thể hiện qua một loại ngôn từ mà người ta coi là sở trường của ông, ngôn ngữ đối thoại. Đối thoại rời rạc, khó hiểu ấy không đơn giản chỉ hứng thú của nhà văn, mà thường gắn bó với kiểu nhân vật Hê-minh-uê, họ không trần tình, bộc lộ tâm tư mà thường khi lại giấu kín nó. Muốn hiểu hết đối thoại của nhân vật Hê-minh-uê, nhiều khi phải đọc cả những im lặng và nhập hẳn vào văn cảnh của họ nữa. Huống chi nhà văn thường ẩn mình, không giải thích, bình luận nhiều về nhân vật, nên có những câu đối thoại gần như hoàn toàn thuộc về phần chìm của “tảng băng trôi”.

Đoạn trích “ông già và biển cả” kể về chuyện ông già chinh phục con cá kiếm trên biển cả mênh mông. Câu chuyện đơn giản nhưng lại gợi mở nhiều tầng ý nghĩa cho người đọc. Người đọc tự suy ngẫm để rút ra hàm ý sâu sắc. Trước hết khi đọc tác phẩm, người đọc thấy được đây là một cuộc tìm kiếm con cá lớn nhất, đẹp nhất trong đời đi câu cá của ông già và cuộc hành trình nhọc nhằn, dũng cảm của người lao động trong một xã hội vô hình. Đó là phần nổi của nguyên lý.

Câu chuyện về ông già và con cá kiếm không đơn thuần là mối quan hệ giữa một lão đi câu với một con mồi. Giá trị cốt lõi của tác phẩm chính là ở phần chìm của tảng băng. Cuộc đuổi bắt đầy căng thẳng, mệt mỏi của ông lão đánh cá cũng chính là cuộc đời của mỗi người khi miệt mài tìm kiếm và chinh phục những khát vọng nhưng thật khó có thể tới được cái đích hoàn hảo mà mình mong muốn. Ông lão Xantiago đã mất nhiều ngày đêm  để săn đuổi và chinh phục con cá kiếm khổng lồ, đó là thành quả đáng tự hào song ông lại không thể mang con cá kiếm về bờ mà chỉ mang được bộ khung xương khổng lồ của nó. Trong cuộc sống con người cũng vậy, chúng ta thường tự đặt ra nhiều mục tiêu, nhiều cái đích để cố gắng thực hiện, tuy nhiên không phải lúc nào mọi cố gắng cũng được đền đáp bằng những thành quả hoàn hảo như ta mong muốn. Tuy không hoàn hảo nhưng đó là kết tinh của những hi vọng, cố gắng nên dẫu kết quả như thế nào vẫn vô cùng ý nghĩa và đáng được trân trọng.

Mỗi người có một lí tưởng, một khát vọng riêng do đó những thứ giá trị, ý nghĩa với người này chưa chắc đã có giá trị với người khác. Trong tác phẩm, con cá kiếm chính là thành quả lớn lao mà Xantiago đạt được sau cuộc chiến không cân sức với tự nhiên, nên dẫu chỉ còn lại bộ xương thì vẫn là thứ quý giá nhất mà ông lão đạt được trong cuộc đời mình, còn đối với những du khách thì đó chỉ là bộ xương cá hoàn toàn không có giá trị.

Cuộc chiến không cân sức của ông lão Xantiago và con cá kiếm khổng lồ cũng chính là hành trình chinh phục tự nhiên đầy thử thách của con người. Ông lão và con cá không chỉ là những cá thể độc lập trong câu chuyện mà còn là biểu tượng lớn lao của cái đẹp. Nếu ông lão là biểu tượng cho những nét đẹp về ý chí, nghị lực bên trong con người thì con cá kiếm chính là hiện thân cho những vẻ đẹp kì vĩ của tự nhiên.

Qua việc tìm hiểu, khám phá phần nổi và phần chìm của tác phẩm. Hê-minh-uê đã giúp người đọc hiểu được rằng con người tuy nhỏ bé nhưng sức mạnh và ý chí lại vô cùng kiên cường, cuộc sống có khó khăn nhưng ẩn sâu vào tảng băng ấy là khát vọng to lớn, vượt qua thử thách để đạt được ước mơ. Đó là biểu hiện của nguyên lí sáng tác do nhà văn đề ra, nguyên lí “tảng băng trôi”.

XEM THÊM >>>> Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả

XEM THÊM >>>> Phân tích tác phẩm Ông già và biển cả

About adminbvh

Check Also

Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích 4 câu kết bài thơ Tràng giang của Huy Cận Bài …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *