Đề bài: Ý nghĩa tác phẩm Số phận con người của Sô Lô Khốp

Bài làm 1:
Chiến tranh là một đề tài sâu rộng và có nhiều khía cạnh để khai thác gây ấn tượng và đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho độc giả. Chiến tranh đem đến những đau thương mất mát, khiến cho nhiều người lâm vào tình cảnh khốn khổ, không còn gia đình người thân. Là một người từng chứng kiến và làm phóng viên tại nhiều chiến trường Sô-lô-khốp thấu hiểu những gì chiến tranh gây ra cho con người. Ông đã đem những trải nghiệm của mình viết nên những trang truyện ngắn, những tiểu thuyết và trở thành nhà văn lỗi lạc của nước Nga.
Tác phẩm Số phận con người là sáng tác tiêu biểu của Sô-lô-khốp, đánh dấu bước phát triển của văn học hiện thực Xô viết. Ông viết về những phong ba, bão táp mà người dân Nga đã phải hứng chịu trong lịch sử và cuộc đấu tranh chống phát xít bảo vệ Tổ quốc. Đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc phần cuối của truyện, viết về cuộc đời của nhân vật Xô-cô-lốp sau chiến tranh.
Có thể nói Xô-cô-lốp chính là đại diện cho người dân lao động Nga. Là người có sự kiên cường, quả cảm, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn cố gắng vượt qua. Chiến tranh đã khiến anh bị thương nhiều lần, nhà tù phát xít đã giam giữ anh hai năm trời nhưng không thể bào mòn đi những đức tính tốt đẹp và sự kiên cường của anh. Hơn thế nữa anh còn mất đi vợ và các con anh dưới bom đạn phát xít, nhà cửa và quê hương anh bị tàn phá, anh không còn nơi để về. Đau khổ hơn nữa đó là người con trai là hy vọng và niềm tự hào duy nhất của anh vốn đã trở thành đại uý pháo binh nay cũng hi sinh dưới súng đạn của tên phát xít Đức. Tới đây anh hoàn toàn mất hết gia đình, người thân, anh cô độc trên con đường phía trước. Sau khi giải ngũ trở về, Xô-cô-lốp đã tới ở nhờ nhà người bạn, anh xin làm trong đoàn vận tải. Cuộc sống của anh trở nên tẻ nhạt chỉ còn đi vận chuyển hàng hoá và lúc về thì ghé quán giải khát nhâm nhi vài li rượu. Anh còn có thể lao động nuôi sống mình nhưng sau chiến tranh còn có nhiều đứa trẻ trở thành mồ côi, không nơi nương tựa. Chúng sống vất vưởng, kiếm ăn bằng cách đi xin ăn và không nơi ở. Giống như cậu bé Va-ni-a, cha mẹ em đã chết trong chiến tranh, em chỉ biết ở cửa quán giải khát để xin ăn qua ngày. Cũng từ đây Va-ni-a gặp Xô-cô-lốp và cuộc đời của hai con người cô đơn ấy bước sang trang mới bớt đi những đau thương.
Truyện Số phận con người còn đem đến cho người đọc thấy được sự nhân ái, tình yêu thương giữa con người với con người là điều đáng trân trọng đến nhường nào. Trong mọi hoàn cảnh thì đó cũng đều đáng được ca ngợi. Đó là hành động cưu mang cậu bé Va-ni-a của Xô-cô-lốp. Anh dù chẳng khá giả gì, dù cũng không có nhà nhưng đã không ngần ngại dang tay cứu giúp cậu bé. Với anh, cậu bé cũng mang lại cho anh niềm tin yêu hơn vào cuộc sống, vơi bớt nỗi cô đơn, khổ đau mà anh đã và đang chịu đựng. Va-ni-a đến như một ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn anh, đến giấc ngủ cũng trở nên bình yên tới lạ: “tôi thức giấc, thấy nó rúc vào nách tôi như con chim sẻ dưới mái rạ, ngáy khe khẽ, tôi thấy lòng vui không lời nào tả xiết”. Anh tận tình chăm sóc cho cậu bé dù cuộc đời trớ trêu khiến anh mất đi công việc hiện tại và phải đưa cậu đi khắp nơi thì anh vẫn cố gắng nỗ lực không buông xuôi. Dù sức khoẻ của anh ngày càng giảm sút nhưng anh vẫn cố tỏ ra bình thường trước mặt cậu.
Tóm lại, tác phẩm Số phận con người của Sô-lô-khốp mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chiến tranh đem đến những đau khổ cho con người và họ không phải chỉ chịu những nỗi đau thể xác trên chiến trường mà còn cả nỗi đau tinh thần. Chiến tranh dù đã qua đi nhưng hậu quả của nó vẫn kéo dài. Xô-cô-lốp và cậu bé Va-ni-a chính là hiện thân của những số phận bất hạnh của chiến tranh. Qua đó nhà văn cũng bày tỏ sự căm ghét chiến tranh và kêu gọi mọi người hãy giữ tình yêu thương, nhân ái với mọi người, kiên cường trước những khó khăn của cuộc sống.
XEM THÊM >>>> Cảm nhận về tác phẩm Số phận con người
XEM THÊM >>>> Thông điệp trong tác phẩm Số phận con người
Bài làm 2:
Sô Lô Khốp là nhà văn nổi tiếng của nước Nga, đã đạt được rất nhiều thành tựu văn học to lớn, trong đó có giải thưởng Nô ben văn học năm 1965. Những tác phẩm của ông cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, trong đó phải kể đến “Số phận con người” là một tác phẩm xuất sắc của ông viết về số phận những con người sau chiến tranh.
Chiến tranh là một đề tài sâu rộng đi vào tiềm thức và cuộc sống của con người, con người được xem như là nạn nhân của chiến tranh, họ phải chịu đựng những đau khổ, và bất hạnh do cuộc sống gây nên. Khi chiến tranh, nhiều anh hùng đã xung phong ra mặt trận và Xô cô Lốp là một nhân vật như thế, chiến tranh nổ ra anh đã từ giã gia đình để xung phong ra mặt trận, bỏ lại ở nhà đó là vợ và con, buôn ba ngoài mặt trận nhiều năm, con trai lớn của anh cũng tham gia vào đội quân của Liên xô.
Trước khi tham gia vào chiến tranh Xô Cô Lốp được xem như là một nhân vật giàu lòng yêu thương, có tấm lòng nhân ái, và sự quả quyết trong cuộc sống, nhưng rồi chính chiến tranh đã cướp đi rất nhiều thứ của anh, từ gia đình, quê hương, người thân, anh đã trở thành nạn nhân của chiến tranh, bị chiến tranh vùi dập, lâm vào tình trạng đau khổ. Ngay trong chính nhan đề, tác giả đã thể hiện được dòng tâm trạng, và một thái độ dứt khoát trước kẻ thù, ở đây số phận con người đã nêu ra một hiện thực đó là con người phải chịu nhiều đau khổ và là nạn nhân xấu số của chiến tranh.
Chiến tranh cướp đi người thân và gia đình của con người luôn hết mình quả cảm chiến đấu vì dân tộc, họ luôn phải vượt qua rất nhiều những gian nan để có thể quật cường đứng dậy trước những sóng gió mà cuộc sống này gây ra. Không chỉ có Xô-cô-lốp mà bé Vania cũng vậy, chính chiến tranh cũng đã cướp đi cha mẹ của bé, mặc dù mới ít tuổi nhưng nỗi đau đớn về tinh thần đã bủa vây lấy con người của chính nhân vật này.
Nỗi đau lắng vào trong và chỉ thật sự hiện hữu khi Xôcôlôp tìm quên trong men rượu. Áp lực đời thường và hậu quả chiến tranh quá nặng nề tưởng chừng có thể làm cho anh gục ngã. Sự tình cờ ngỡ như ngẫu nhiên mà tất yếu đã gắn chặt cuộc đời Xôcôlôp với bé Vania. Chú bé Vania, đôi mắt đen lay láy, cuộc sống vất vưởng là một hình tượng nghệ thuật có thể làm mềm những trái tim sắt đá nhất. Chú bé chính là hiện thân của thế hệ tương lai nước Nga, là vẻ đẹp của sự thơ ngây thánh thiện cần phải chở che, bảo bọc. Không chỉ cảm động vì khoảnh khắc thì thầm của Xôcôlôp với bé Vania: “Ta là bố của con”, lúc nhận bố con cũng là lúc người đọc chứng kiến sự trở lại của những giọt nước mắt ở con người tưởng như trái tim đã khô héo vì đau khổ. Nước mắt, hạnh phúc và xót xa cứ đan quyện vào nhau, thấm vào lòng tất cả mọi người.
Ngỡ rằng hạnh phúc đã thật sự trở lại, ngỡ rằng từ đây đầy ắp tiếng cười và những tiếng ríu rít như chim của bé Vania, nhưng kí ức vẫn hiện về đầy ám ảnh. Người đọc phải chứng kiến những lời nói dối, nhưng lạ thay đó lại là lời đẹp hơn trăm lần sự thật. Bởi sự đồng cảm số phận và tình thương yêu đã gắn chặt cuộc đời hai bố con, một người đang cầm nén nỗi đau quá khứ và một người cần được bảo đảm tương lai tốt đẹp. Vậy mà định mệnh lại trêu cợt để cho bố con Xôcôlôp lại tiếp tục hành trình giữa đời thường với bao thử thách đón chờ phía trước.
Trong tác phẩm tác giả đã thể hiện được những ý nghĩa tư tưởng một cách sâu sắc, đó là hoàn cảnh của cuộc sống, của chiến tranh đang dần bao vây và che lấp đi cuộc sống cũng như giá trị của con người, từng ngày con người vẫn đang phải chịu những tổn thương sâu sắc, đó là hình ảnh của sự mất mát, đó là sự mất mát và không bao giờ có thể nguôi ngoai được, mỗi nhân vật trong tác phẩm đều thể hiện một tư tưởng khác nhau, nhưng họ đều phải chịu những nỗi đau chung đó là sự mất mát trong tâm hồn từ việc ra đi của người thân, khó khăn của cuộc sống sau chiến tranh.
Tác phẩm thông qua nhân vật chính là một người lính dũng cảm chiến đấu trước kẻ thù, một người lao động có trách nhiệm. Nhân vật chính vừa là biểu tượng của nhân dân Nga, vừa là một số phận cá nhân với những cảnh ngộ, sự từng trải và bước đường đời rất riêng. Tất cả đã toát lên được ý nghĩa, chủ đề của tác phẩm.